2 vaccine phòng COVID-19 được đề xuất chờ Bộ Y tế phê duyệt là vaccine nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc vừa họp và đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 vaccine phòng COVID-19 của Mỹ và Nga.
Vaccine phòng COVID-19 (Ảnh minh hoạ)
Vaccine phòng COVID-19 (Ảnh minh hoạ)

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc diễn ra vào chiều nay, ngày 25/2.

Theo đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vaccine phòng COVID-19, gồm vaccine của Công ty Moderna (Mỹ) và vaccine của Công ty JSC Generium (Nga) là Sputnik V để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Vaccine phòng COVID-19 của Moderna (Mỹ) tên là ModernaTX, Inc, thuộc loại vaccine mRNA với liều tiêm 2 mũi, cách nhau một tháng (28 ngày), dùng để tiêm vào cơ bắp tay trên. Dựa vào bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, vaccine phòng COVID-19 của Moderna có hiệu quả 94,1% giúp phòng ngừa bệnh COVID-19 đã được phòng thí nghiệm xác nhận ở những người được tiêm hai liều và không có bằng chứng bị nhiễm bệnh trước đó.

Còn vaccine phòng COVID-19 của Nga là Sputnik V là vaccine phòng Covid-19 do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết sẽ cấp kinh phí cho việc phát triển vaccine này. Nga cũng đã đưa ra kế hoạch phối hợp với các đối tác nước ngoài để có thể sản xuất 500 triệu liều vaccine Sputnik V phòng Covid-19 mỗi năm tại 5 quốc gia.

Vaccine Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus - một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Đây cũng là công nghệ được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya nghiên cứu từ năm 1953.

Vector adenovirus là công nghệ mới và đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh. Hiện nay, các nhà phát triển vaccine trên thế giới cũng đang tập trung vào công nghệ vector adenovirus để sớm có được vaccine Covid-19 phòng đại dịch.

Để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một ý tưởng đột phá là sử dụng hai loại vector adenovirus khác nhau (rAd26 và rAd5) cho lần tiêm chủng thứ nhất và thứ hai. Người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm 2 mũi, sử dụng hai loại vector khác nhau là rAd5 và rAd26. Bằng cách này, chúng sẽ “đánh lừa” cơ thể, kích thích miễn dịch đối với vector đầu tiên và tăng hiệu quả của vaccine với mũi thứ hai sử dụng vector khác.