2 lính Mỹ đã được xác nhận bị Nga bắt, dư luận rúng động, Washington lâm vào tình thế khó xử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 16/6, trên Telegram xuất hiện một bức ảnh hai binh sĩ Mỹ ngồi sau xe tải quân sự của Nga, xác nhận thông tin họ đã bị quân Nga bắt giữ vào tuần trước ở phía bắc Kharkov, Ukraine.
Bức ảnh hai lính Mỹ bị Nga bắt được đăng tải trên Telegram (Ảnh: QQ).
Bức ảnh hai lính Mỹ bị Nga bắt được đăng tải trên Telegram (Ảnh: QQ).

Theo CNN, hai người này là Alexander John-Robert Drucker, 39 tuổi, ở Tuscaloosa, Alabama và Andy Tai Ngoc Huynh. 27 tuổi, ở Lawrence, Alabama. Trong ảnh, cả hai dường như bị trói, để tay sau lưng, nhìn vào máy ảnh.

Bức ảnh không ghi ngày tháng chụp được blogger người Nga “The V”, có tên đầy đủ là Timofey Vasiliev ở Moscow đăng trên Telegram hôm thứ Năm (16/6). Hiện tại, giới truyền thông vẫn chưa thể xác nhận bức ảnh được chụp vào thời điểm nào.

Bà Bonnie Drucker, mẹ của Robert Drucker, đã nói với Jack Tapper của CNN rằng Bộ Ngoại giao nói với bà họ đang nỗ lực để xác minh bức ảnh.

“Họ nói rằng có một bức ảnh đang lan truyền trên truyền thông Nga. Họ đang nỗ lực xác minh điều đó”. “Chúng tôi rất hy vọng về điều đó”. Bonnie nói con trai bà đã đến Ukraine để huấn luyện binh sĩ chống lại Nga bởi vì anh ta cho rằng “nếu bây giờ không ngăn cản Putin, ông ta sẽ ngày càng táo bạo hơn với mỗi lần thành công và có thể cuối cùng ông ấy sẽ đặt chân đến với bờ biển nước Mỹ”.

Joy Black, vị hôn thê 21 tuổi của Andy Huynh (tức Huỳnh Ngọc Tài, một người Mỹ gốc Việt) cho biết lần liên lạc cuối cùng của cô với chồng sắp cưới là vào ngày 8/6, khi đó anh ta nói với cô rằng anh sẽ đi thực thi nhiệm vụ vài ngày.

Black nói hai người đã đính hôn vào tháng 3, không lâu trước khi Andy Huynh lên đường đến Ukraine. "Cho đến khi anh ấy đi, chúng tôi vẫn chưa biết mình muốn kết hôn hay đính hôn. Chúng tôi quyết định đính hôn để khi anh ấy quay lại, chúng tôi có thể kết hôn và tận hưởng khoảng thời gian chứ không phải ngay sau khi cưới đã xa nhau".

Hai lính Mỹ được cho là đã bị Nga bắt: Robert Drucker (trái) và Andy Huynh.

Hai lính Mỹ được cho là đã bị Nga bắt: Robert Drucker (trái) và Andy Huynh.

Hai binh sĩ Mỹ chiến đấu cùng quân đội Ukraine ở miền bắc Kharkov, đã mất tích gần một tuần, gia đình của họ và một người bạn chiến binh lo ngại họ có thể bị quân Nga bắt giữ.

Mặc dù không xác định được vị trí của chiếc xe trong bức ảnh, nhưng phóng viên CNN tại Nga khẳng định hộp thực phẩm màu trắng có nắp hộp thiếc rơi trong ảnh là món cá thu hộp được sản xuất tại một nhà máy của hãng chế biến thực phẩm Fregat của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm thứ Tư (15/6) nói rằng nếu các thông tin là sự thật, Washington sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo họ được trả tự do. John Kirby, cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc hiện là điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia, cam kết sẽ sử dụng ảnh hưởng của Washington để đảm bảo việc thả họ nếu tin họ bị bắt được xác nhận. "Nếu đây là sự thật, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa họ về nhà an toàn".

Giới phân tích thời cuộc nhận xét, vào lúc cuộc xung đột Nga-Ukraine bước vào thời điểm mà phía Nga gọi là "thời điểm quan trọng nhất" của giai đoạn thứ ba của chiến dịch, đã xảy ra một vấn đề làm đau đầu chính quyền Joe Biden: hai cựu binh sĩ Mỹ đã bị phía Nga bắt giữ.

Theo báo chí nước ngoài, hai cựu binh Mỹ này đã đến Ukraine để tham chiến với tư cách “lính đánh thuê” và bị bắt trong một trận chiến ác liệt ở một ngôi làng ngoại ô Kharkov. Có thông tin nói ngôi làng này chỉ cách biên giới Nga-Ukraine 5 dặm.

Washington lo ngại sẽ tái xuất hiện tin người Mỹ bị kết án tử hình vì tham chiến ở Ukraine như đã xảy ra với 2 người Anh và 1 người Morocco.

Washington lo ngại sẽ tái xuất hiện tin người Mỹ bị kết án tử hình vì tham chiến ở Ukraine như đã xảy ra với 2 người Anh và 1 người Morocco.

Vào thời điểm đó, nhóm của họ đã nhận được thông tin sai lệch rằng ngôi làng đã an toàn. Đến khi tới hiện trường, họ mới phát hiện ra rằng quân đội Nga đang tấn công ngôi làng. Một lính Mỹ có mặt tại hiện trường cùng hai người bị bắt kể lại, quân Nga có 100 binh sĩ, 2 xe tăng T-72 và một số xe bọc thép BMP-3, còn đội đặc nhiệm của quân đội Ukraine khi đó chỉ có 10 người lính.

Người lính này cho biết, sau khi phát hiện ra quân Nga, đội của họ đã lập tức đặt mìn chống tăng trên đường, rồi tìm nơi ẩn nấp, chờ xe tăng Nga chạy vào bãi mìn. Tuy nhiên, hai cựu binh Mỹ đã phát hiện ra một chiếc BMP-3 đang tiến đến nơi ẩn náu của đội liền nổ súng trước, bắn nó bằng ống phóng tên lửa vác vai RPG-7. Nhưng vụ nổ cũng khiến quân đội Nga phát hiện ra vị trí của họ, một chiếc xe tăng T-72 lập tức nổ súng về hướng của hai binh sĩ. Người lính cho rằng hai người lính có lẽ đã bắn trượt, nhưng sóng xung kích của đạn pháo nổ có rất có thể làm họ bị choáng. Sau đó, xe tăng T-72 lao qua bãi mìn chống tăng và bị hư hại ở một mức độ nhất định. Sau cuộc giao tranh ác liệt giữa hai bên, hai người lính Mỹ đã không thấy trở lại điểm hẹn đã định.

Sau trận chiến, quân đội Ukraine đã lập tức điều động máy bay không người lái và đội tìm kiếm cứu nạn trên mặt đất để tìm kiếm khắp ngôi làng, nhưng không tìm thấy thi thể của hai lính Mỹ này. Vào đêm hôm đó, quân đội Ukraine phát hiện quân đội Nga đã đăng một tin trong nhóm Telegram của họ, nói: "Phân đội Z đã đạt được kết quả tốt ở Kharkov trong hai ngày qua. Chúng ta đã bắt được 10-20 lính Ukraine, hôm nay bắt thêm được hai lính đánh thuê người Mỹ".

“Chiến hữu” của hai binh sĩ Mỹ nói trên cho rằng tin tức này về cơ bản đã xác nhận Alexander Drueke và Andy Huynh đã bị bắt, bởi vì nhóm của họ là đội duy nhất có người Mỹ. Ông ta nói, mục đích của việc tiết lộ tin tức với giới truyền thông là để công chúng biết rằng có người Mỹ trong tay quân đội Nga, hy vọng rằng giới lãnh đạo cấp cao của quân đội Nga sẽ biết rằng họ không phải là lính đánh thuê hay phần tử vũ trang dân quân, mà họ là "tình nguyện viên" đến theo lệnh của quân đội Ukraine. Người này cho rằng "càng nhiều người biết về sự thật này, khả năng họ bị hành quyết một cách lặng lẽ càng ít".

Thông tin hai người Mỹ bị quân đội Nga bắt sống đã nhanh chóng làm rúng động dư luận Mỹ. Đây là lần đầu tiên có binh sĩ Mỹ bị bắt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2. Điều khiến phía Mỹ đặc biệt quan tâm là hai lính đánh thuê người Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner bị bắt hồi tháng 4, đã bị Tòa án Tối cao của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" kết án tử hình chỉ mới tuần trước. Truyền thông Mỹ nhấn mạnh, ngoài gia đình của hai người bị bắt, cả Nhà Trắng và người dân Mỹ đều lo sợ sẽ lan truyền thông tin "lính đánh thuê Mỹ bị kết án tử hình".

Điều chí mạng hơn là hai người lính Mỹ bị bắt vào thời điểm này rất nhạy cảm ở cấp độ ngoại giao. Hiện tại, đang ở thời điểm quan trọng nhất của trận chiến ở Severodonetsk, bất kỳ sự xáo trộn nào cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình. Mỹ cho rằng Nga có thể lợi dụng danh tính của hai binh sĩ Mỹ để "làm ầm ĩ" và lấy họ làm bằng chứng cho thấy Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Phía Mỹ cũng lo ngại rằng phía Nga có thể yêu cầu "một cái giá quá lớn" và yêu cầu Washington nhượng bộ nhiều hơn ở cấp độ ngoại giao như là điều kiện để trả tự do cho hai người Mỹ. Trong sự kiện này, quyền chủ động ​​nằm trong tay Moscow.

Giờ đây đã một tuần trôi qua, Washington cuối cùng cũng đã có phản hồi. Cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby, hiện là Điều phối viên truyền thông Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 15/6 nói: "Chúng tôi biết các tin về hai người Mỹ bị nghi bị bắt ở Ukraine và chúng tôi chưa thể xác nhận độc lập tính xác thực của tin tức này. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và duy trì liên lạc với phía Ukraine ". Ông tái nhấn mạnh, người Mỹ không được khuyến cáo đến Ukraine. Sau đó, Lầu Năm Góc kể đã nói trong một email gửi giới truyền thông rằng họ sẽ không bình luận về vấn đề này do lo ngại về quyền riêng tư.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra ác liệt tại thành phố Severodonetsk, Donbass.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra ác liệt tại thành phố Severodonetsk, Donbass.

Việc hai binh sĩ Mỹ bị bắt, khiến chủ đề Nga-Ukraine vốn đang dần nguội đi trong dư luận phương Tây thời gian gần đây lại trở nên nóng hổi. Tuy nhiên, vụ việc này cũng đã đặt Mỹ vào tình thế khó xử trong vấn đề viện trợ cho Ukraine và trừng phạt đối với Nga. Nếu Mỹ gia tăng ủng hộ Ukraine chắc chắn sẽ khiến phía Nga tức giận. Nếu hai binh sĩ gặp bất trắc, chính quyền Biden chắc chắn sẽ là đối tượng bị dân chúng Mỹ gây khó dễ. Còn tỏ "thái độ mềm mỏng" với Nga sẽ khiến Mỹ trở thành kẻ "đạo đức giả" trước các đồng minh châu Âu và cũng sẽ khiến người dân Mỹ cảm thấy không hài lòng về "sự mềm yếu" của chính phủ.

Hiện nay tình hình này thực sự rất khó khăn cho chính quyền Biden. Đây là lý do chính khiến từ Lầu Năm Góc đến Bộ Ngoại giao cho đến Nhà Trắng đều không muốn nói về vụ này. Dư luận Mỹ cho rằng trong bối cảnh sắp đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới, đây là lúc thử thách ông Biden và chính phủ của đảng Dân chủ.