Ca phẫu thuật ghép gan cho ông H. kéo dài tới 14 tiếng đồng hồ. |
Ông Nguyễn T.H. bị viêm gan B đã nhiều năm nay nhưng uống thuốc không đều. Vì vậy, bệnh của ông đã bị tái phát.
Sau đó, ông được gia đình đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám, chữa, mới phát hiện ông đã bị suy gan cấp trên nền viêm gan mãn tính, nhiễm khuẩn, phải ghép gan. Vì vậy, ông H. được chuyển tới Bệnh viện TWQĐ 108 để ghép gan cấp cứu.
TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108 – cho biết, ca phẫu thuật ghép gan của ông H. đặt ra nhiều thách thức, khi đây là lần đầu tiên Bệnh viện thực hiện ghép gan cấp cứu cho bệnh nhân và lấy gan từ người cho sống, chưa kịp chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng cho phẫu thuật.
Bên cạnh đó, ông H. mắc bệnh rất nặng, suy gan cấp có hội chứng não gan, viêm phổi, có tình trạng xuất huyết dưới da rất nặng, rối loạn đông máu, rối loạn chảy máu, có nhiều rủi ro trong phẫu thuật. Song, nếu không được ghép gan, ông sẽ chỉ sống thêm được khoảng một hoặc hai ngày.
Ông H. hồi phục sức khỏe sau khi mổ.
|
Tuy nhiên, nhờ có nhóm bác sĩ dày dạn kinh nghiệm phẫu thuật và khéo léo, ca phẫu thuật ghép gan đặc biệt này đã thành công. Nhóm bác sĩ phải chiến đấu căng thẳng trong 14 tiếng đồng hồ để ghép gan cho ông H.
Tỉnh lại sau ca phẫu thuật, anh H. xúc động chia sẻ: “Tôi cảm giác như mình vừa có một giấc ngủ dài. Cha mẹ sinh ra tôi nhưng các bác sĩ mới là người hồi sinh, cho tôi một cuộc sống mới. Cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi”.
Hiện, ông H. đã hồi phục sức khỏe và ra viện.
Qua trường hợp của ông H., TS. Thành khuyến cáo bệnh nhân viêm gan B phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định, tránh bỏ thuốc hoặc uống không thường xuyên để hạn chế bệnh tái phát, nguy cơ tử vong cao, phải ghép gan.
Hiện nay, nhu cầu ghép gan ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng, ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan. Ghép gan là phương cách duy nhất để đem lại sự sống cũng như kéo dài thời sống thêm hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh gan.