3 nhà đầu tư “hào phóng” của FIT: Họ là ai?

VietTimes -- Cổ đông lớn nhất của Cty VP và Cty Hưng Yên đều là CTCP Tập đoàn FIT (FIT Group). Song cần phân biệt FIT Group với CTCP Tập đoàn F.I.T – F.I.T Group...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, giới đầu tư đang xôm tụ về chủ đề “F.I.T và chuyện 3 nhà đầu tư hào phóng”.

Chủ đề xoay quanh thương vụ tăng vốn từ mức 2.235,5 tỷ đồng lên 2.547,3 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn F.I.T (Mã chứng khoán: FIT) – một hoạt động tưởng như hết sức bình thường đối với một doanh nghiệp.

Theo đó, FIT vừa công bố, họ đã thu ròng 359 tỷ đồng sau khi phát hành 31,18 triệu cổ phiếu FIT cho 3 nhà đầu tư chiến lược. Mức giá được các bên thống nhất cho thương vụ là 11.500 đồng/CP.

Đáng nói khi thị giá giao dịch của cổ phiếu FIT cùng kỳ lại chẳng mấy khi vượt ngưỡng 5.000 đồng. Chốt phiên 9/1/2017 – ngày mà FIT hoàn tất thương vụ với 3 đối tác – mã chứng khoán này đóng cửa ở mức 4.440 đồng/CP.

Có vẻ các nhà đầu tư của FIT đã bị “hớ” (?!).

Giá trị tùy thuộc vào đánh giá của mỗi người. Và việc nhà đầu tư chiến lược mua cổ phiếu với giá cao hơn thị giá thực ra không hiếm. Song thông thường trong các thương vụ như vậy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược sẽ tương đối lớn, đủ để tác động ở mức độ nào đó lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn với trường hợp của FIT, mặc dù rót hàng trăm tỷ đồng vào doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ sở hữu của ba nhà đầu tư chiến lược tại FIT lại đều chỉ ngấp nghé 5% - không đủ để trở thành cổ đông lớn nhưng vừa đủ để “lách” các nghĩa vụ công bố thông tin.

Chưa kể, theo quy định, cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong khoảng thời gian 1 năm.

Tư duy logic thông thường, mua cổ phiếu trực tiếp trên sàn sẽ tỏ ra là một lựa chọn khôn ngoan hơn: vừa rẻ, vừa không bị hạn chế chuyển nhượng, mà lại vẫn kín đáo (!).

Nhưng có lẽ không nên dạy bảo các nhà đầu tư cách làm giàu, nhất là khi họ là người có tiền, rất nhiều tiền…

Nhà đầu tư “hào phóng”: Họ là ai?

Văn bản công bố thông tin của FIT điểm danh cụ thể về 3 nhà đầu tư chiến lược vừa bỏ tiền vào tập đoàn này.

Đó là: Công ty CP Thương mại và Phát triển nông nghiệp VP (đầu tư 121,9 tỷ đồng, mua 10,6 triệu CP), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nghệ An (đầu tư 121,67 tỷ đồng, mua 10,58 triệu CP), Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông sản Hưng Yên (đầu tư 115 tỷ đồng, mua 10 triệu CP).

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT F.I.T Group cũng là cổ đông lớn nhất của FIT Group. (Ảnh: Internet)

Có không ít chi tiết thú vị về 3 cái tên vừa kể.

Hai trong số đó - Công ty CP Thương mại và Phát triển nông nghiệp VP (Cty VP) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông sản Hưng Yên (Cty Hưng Yên) - vừa mới chỉ được thành lập vào tháng 5/2016, đều đăng ký một số vốn điều lệ rất nhỏ so với khoản đầu tư họ vừa bỏ vào FIT. Trong đó, Cty VP có vốn điều điều lệ 9 tỷ đồng, còn con số tương ứng ở Cty Hưng Yên là 21 tỷ đồng.

Dù là hai pháp nhân thành lập tại hai địa phương khác nhau nhưng đáng chú ý, Cty VP và Cty Hưng Yên đều có chung Tổng Giám đốc là ông Trần Văn Đạt, sinh năm 1983, đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Đình Dù, Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông Đạt sở hữu 41% cổ phần Cty VP và 31% cổ phần Cty Hưng Yên.

Thú vị hơn khi cổ đông lớn nhất (sở hữu 49% VĐL) của cả hai doanh nghiệp này đều là CTCP Tập đoàn FIT (FIT Group). Song cần phân biệt FIT Group (MST: 0900848515) với CTCP Tập đoàn F.I.T – F.I.T Group (MST: 0102182140) – đối tượng chính trong câu chuyện “F.I.T và chuyện 3 nhà đầu tư hào phóng”.

FIT Group thành lập ngày 16/10/2012, có trụ sở tại số 37 Phố Mới, Thị trấn Như Quỳnh, Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên. Theo cập nhật mới nhất, FIT Group đã đổi tên thành CTCP Đầu tư Dũng Tâm, hiện có vốn điều lệ 1.030 tỷ đồng và từng trải qua một quá trình tăng vốn nhanh chóng.

Biết đâu một ngày, khi F.I.T Group đã hoàn thành sứ mệnh, FIT Group sẽ lại “lên sàn” (?!).

Tài liệu của VietTimes cho thấy, cổ đông sáng lập FIT Group chính là F.I.T Group và các cá nhân lãnh đạo, cũng như người thân của lãnh đạo F.I.T Group như ông Nguyễn Văn Sang, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Phan Trung Phương, ông Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ngọc Bích.

Cập nhật đến ngày 14/09/2016, Chủ tịch F.I.T Group – ông Nguyễn Văn Sang – vẫn là cổ đông lớn nhất của FIT Group với tỷ lệ sở hữu 43,4% (chiếm 447 tỷ đồng/1.030 tỷ đồng VĐL). Bên cạnh đó, ông Sang còn đang đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc FIT Group.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Tổng Giám đốc F.I.T Group, nắm giữ 17,6% cổ phần FIT Group; Ông Phan Trung Phương – cựu Chủ tịch HĐQT F.I.T Group nắm giữ 18,37%; ông Phạm Công Sinh – Thành viên HĐQT F.I.T Group, nắm giữ 7%.

Nhà đầu tư chiến lược còn lại trong thương vụ tăng vốn của FIT - CTCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An (Cty Nghệ An) – được thành lập ngày 18/03/2011, vốn điều lệ cập nhật đến 28/10/2016 là 100 tỷ đồng. Đây cũng là pháp nhân có nhiều liên hệ với FIT, tiêu biểu là sự xuất hiện của đương kim Tổng Giám đốc FIT – bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - trong danh sách sáng lập.

Suy cho cùng, ba nhà đầu tư vừa “hào phóng” rót 359 tỷ đồng vào FIT, ở một giác độ nhất định, vốn lại là chỗ… “người nhà” (!).

Quan sát diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, câu chuyện “phát hành dưới mệnh giá” như FIT chẳng phải là cá biệt.

Hàng loạt cái tên khác cũng từng làm những “game” tương tự.

Có thể kể đến trường hợp của CTCP Bamboo Capital (BCG), CTCP Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC), TCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco (VMI), CTCP Nông Dược H.A.I (HAI), CTCP Khoáng sản Vinas A Lưới (ALV)…

“Người trong cuộc” mưu cầu gì từ những đợt phát hành này? Nhà đầu tư mất gì sau mỗi thương vụ? “Kẽ hở” nào đã được lợi dụng?...

Kỳ tới: “Giấu rác dưới thảm nhà”