Trên chiến trường Ukraine, mục tiêu của các máy bay không người lái (UAV) không phải là xe bọc thép hay vị trí chiến đấu mà là những chiếc UAV khác.
Các cảnh quay chiến đấu từ cuộc chiến ở Ukraine đã nhiều lần ghi lại những pha đánh chặn sát thương này, trong đó một UAV rẻ tiền đâm vào một UAV khác. Đây là một phương án phòng không hiệu quả về mặt chi phí mà cả Ukraine và Nga đều đang sử dụng và tích cực theo đuổi.
Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, đã đăng trên Telegram vào tháng 4 rằng đất nước của ông đang săn lùng các giải pháp UAV đánh chặn để bắn hạ các UAV giám sát của Nga – vốn được coi là “con mắt” xác định mục tiêu cho UAV tấn công và pháo binh Nga.
Nataliia Kushnerska, giám đốc điều hành cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, nói với Business Insider rằng việc sử dụng các hệ thống không người lái theo cách này "đánh dấu sự xuất hiện của một phân khúc hoàn toàn mới trong chiến tranh hiện đại – chiến đấu bằng UAV".
Chiến thuật mới trong cuộc chiến UAV
UAV đã thống trị chiến trường trong suốt phần lớn cuộc chiến ở Ukraine, chúng được sử dụng cho các nhiệm vụ trên bộ, trên biển và trên không. Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) giá rẻ thường được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các vị trí thiết giáp và bộ binh của đối phương, trong khi các hệ thống lớn hơn thu thập thông tin tình báo.
Nhưng khi chiến tranh kéo dài, UAV ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong vai trò phòng không để hạ gục các UAV trinh sát và tấn công của đối phương. Đôi khi, những cuộc giao tranh trên không này có thể giống với những trận không chiến khốc liệt trong các cuộc Thế chiến.
Một công ty sản xuất FPV đã đăng vào tháng 8 rằng các hệ thống được sửa đổi của họ đã hạ gục 100 UAV của Nga.
Kushnerska, giám đốc điều hành của Brave1, một nền tảng của chính phủ Ukraine thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghiệp quốc phòng, cho biết UAV đánh chặn đã trở thành "một trong những đổi mới của cuộc chiến này".
Bà nói chiến thuật này khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc vận hành UAV ở sâu phía sau tiền tuyến và thu thập dữ liệu để tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV vào các vị trí của Ukraine. Đây là một thách thức thực sự đối với Ukraine khi Nga đẩy mạnh hoạt động trinh sát.
Bà Kushnerska cho biết Ukraine là nước đầu tiên sử dụng UAV để đánh chặn các UAV trinh sát của Nga, nhưng Moscow từ đó đã thích nghi với chiến thuật và tìm mọi cách né tránh các máy bay đánh chặn. Hiện nay, Ukraine đang nỗ lực cải thiện hệ thống để chúng trở nên hiệu quả hơn.
Một quan chức cấp cao Ukraine trước đây đã mô tả tình hình hiện nay như “trò mèo vờn chuột” giữa Kiev và Moscow, trong đó mỗi bên liên tục cố gắng cạnh tranh nhau trong việc phát triển UAV và các công nghệ khác liên quan đến chiến tranh.
Samuel Bendett, một chuyên gia về UAV và các vấn đề quốc phòng của Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nói rằng Moscow cũng đang sử dụng FPV để tiêu diệt UAV của Ukraine và Nga cũng đã trang bị cho UAV của mình hệ thống phòng thủ chống UAV đánh chặn, chẳng hạn như hệ thống tác chiến điện tử, gây nhiễu.
Ông Bendett nói rằng người Ukraine "đã rất thành công trong việc triển khai FPV của họ chống lại UAV trinh sát của Nga, và người Nga cũng thành công ở một mức độ nào đó khi sử dụng FPV của họ để truy đuổi các UAV hạng nặng của Ukraine".
UAV đánh chặn bị hạn chế về phạm vi và độ cao và thường mang được ít thuốc nổ hơn so với các hệ thống phòng không truyền thống như tên lửa. UAV cung cấp cho Ukraine và Nga một giải pháp thay thế để hạ gục các mối đe dọa trên không, trong đó chi phí đánh chặn thường thấp hơn chi phí của hệ thống đang bị nhắm mục tiêu.
Bà Kushnerska cho biết một UAV đánh chặn thường có giá từ 2.000-4.000 USD. Trong khi một tên lửa phòng không có thể có giá hàng trăm nghìn USD - thậm chí hàng triệu USD. Việc sử dụng UAV giúp giảm sự phụ thuộc vào các loại vũ khí đắt tiền hơn và giúp các đơn vị phòng không Ukraine tập trung vào các mối đe dọa lớn hơn như máy bay Nga, hay các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Tìm kiếm thêm máy UAV đánh chặn
Đối với những người lính Ukraine được giao nhiệm vụ đánh chặn UAV của Nga, đây là một nhiệm vụ nguy hiểm.
Một người điều khiển UAV trong quân đội Ukraine nói rằng anh ta điều khiển từ các hầm trú ẩn rất gần tiền tuyến. Anh cho biết các phi công là mục tiêu ưu tiên của Nga, họ sẽ sử dụng "mọi thứ có thể” để tiêu diệt những người lái UAV như anh.
Người này cho biết cuộc chiến giữa các UAV đang gia tăng, nói rằng đôi khi ông sử dụng UAV đánh chặn tới 5 lần một tuần. Nhưng Ukraine cần nhiều hơn thế.
Kiev đã thực hiện các bước để mua thêm UAV đánh chặn. Chẳng hạn, tháng trước, một công ty chế tạo UAV của Ukraine tuyên bố họ đã hoàn thành thử nghiệm mẫu FPV mới được thiết kế để hạ gục các UAV trinh sát của Nga, như Orlan, và đã sẵn sàng sử dụng cho mục đích quân sự.
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Valeriy Romanenko, cựu sĩ quan phòng không, hiện là nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Hàng không Nhà nước Ukraine, nói rằng UAV đánh chặn của Kiev rất phù hợp để tiêu diệt UAV trinh sát có tốc độ chậm hơn ở độ cao thấp hơn.
Tuy nhiên, ông nói, Kiev cuối cùng vẫn cần các UAV đánh chặn nhanh hơn để hạ gục các UAV tấn công chết người của Nga, như chiếc Shahed-136 khét tiếng. Theo tình báo phương Tây, chỉ riêng trong tháng 10, Moscow đã triển khai khoảng 2.000 UAV này vào Ukraine.
Dự án Wild Hornets của Ukraine đang nghiên cứu một loại UAV mới có tên "Sting" để chống lại Shahed một cách hiệu quả, nhưng công việc này vẫn đang được tiến hành.
Chiến thuật đánh chặn đánh chặn này có ý nghĩa không chỉ với Ukraine và có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột trong tương lai. Mick Ryan, thiếu tướng và chiến lược gia quân đội Australia đã nghỉ hưu, cho biết việc sử dụng UAV để đánh chặn có thể sẽ là một yếu tố lâu dài trong các hoạt động quân sự.