Động thái này cũng đánh dấu lần đầu tiên một mẫu xe cỡ lớn được các nhà sản xuất nước ngoài hoàn thiện tại chỗ để phục vụ nhu cầu nội địa, thay vì chỉ tập trung vào các dòng cỡ nhỏ giá rẻ như trước đây.
Thực tế, thông tin về việc Toyota sẽ lắp ráp Fortuner tại Việt Nam đã được bàn tán từ nhiều tháng qua. Một số đại lý xe thậm chí cho biết sẽ có thể đặt hàng từ giữa năm nay, tuy chưa đưa ra mức giá cụ thể.
Trong khi đó, một số nguồn thạo tin khẳng định, sẽ có ít nhất bốn phiên bản Fortuner được lắp ráp trong nước, đều là dòng trung và phổ thông, gồm: phiên bản 2,4 AT 4x2 (máy dầu), 2,8 AT 4x4 (máy dầu), 2,4L MT 4x2 (máy dầu), 2,7 AT 4x2 (máy xăng). Tuy nhiên, những mẫu cao cấp nhất như 2,7L 4x4 AT hay 2,7L 4x4 AT TRD vẫn sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ Thái Lan.
Dù đối với dòng xe nào, việc chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước vào lúc này đều sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho sản phẩm. Bởi lẽ, nguồn cung cho thị trường sẽ luôn được đảm bảo tốt hơn, trong khi giá bán lại có thể sẽ giảm mạnh để tăng sức cạnh tranh với các đối thủ.
Trước đây, khi Hyundai Thành Công chuyển từ nhập khẩu Santa Fe sang lắp ráp tại nhà máy Ninh Bình, giá của mẫu xe này nhanh chóng giảm trung bình 300 triệu đồng/chiếc trên thị trường, ngay lập tức “gây sốc” đối với phân khúc.
Mặt khác, các nhà sản xuất cũng có thể chủ động xây dựng hệ thống cung ứng phụ tùng và linh kiện ngay tại chỗ, góp phần mình vào sự phát triển của nền công nghiệp ô tô trong nước.
Mitsubishi hiện đã lắp ráp chiếc “gầm cao” Outlander tại nhà máy ở Bình Dương. |
Với việc chuyển từ nhập nguyên chiếc sang lắp ráp ở Việt Nam, Fortuner sẽ có ưu thế khá lớn trước các đối thủ trong phân khúc, vốn hiện đều được nhập khẩu nguyên chiếc, ví dụ như Nissan Terra, Ford Everest, Chevrolet Trailblazer, Isuzu MU-X, Mitsubishi Pajero Sport... Trong số này, xe của Mitsubishi và Chevrolet được kỳ vọng có thể sớm tiếp bước đối thủ Nhật Bản, nhờ hệ thống dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam đã khá hoàn thiện.
Dĩ nhiên, câu chuyện không dừng ở đó, nhiều thương hiệu lớn khác như Thaco (KIA, Mazda), TanChong (Nissan), VinFast (Chevrolet), và Hyundai Thành Công vài năm qua đã xúc tiến mở rộng đáng kể quy mô sản xuất tại Việt Nam, từng bước tiến tới việc lắp ráp xe số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Nỗ lực này đã chứng kiến nhiều công nghệ và hệ thống quản lý tối ưu được triển khai tại những nhà máy mới.
Nhiều hãng xe đã rất tích cực mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây. |
Mặt khác, các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam giờ đây có nhiều lý do để chuyển sang lắp ráp sản phẩm tại chỗ, bất chấp những ưu đãi từ hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo nội dung hiệp định này, kể từ ngày 1-1-2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (với tỉ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên) từ các nước nội khối giảm về 0%. Trong suốt hơn 1 năm qua, ATIGA luôn như một cánh cửa lớn được mở toang cho các loại xe từ Thái Lan và Indonesia tràn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, giờ đây, khi các dây chuyền lắp ráp xe trong nước đủ mạnh, tỉ lệ nội địa hóa cũng gần chạm mốc nói trên, “gió ngược” là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều thuận lợi. Bản thân cuộc đua tiến tới mốc nội địa hóa 40% cũng mở ra hàng loạt cơ hội mới cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Về phần mình, người tiêu dùng đương nhiên cũng hưởng lợi, bởi một mẫu xe được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại chỗ ngoài những lợi ích về chi phí mua ban đầu, còn phải kể tới khả năng thích nghi điều kiện vận hành tốt hơn, phụ tùng sẵn hơn…
“Phát súng hiệu” Fortuner chắc chắn sẽ khởi đầu một cuộc đua mới về giá, dẫn tới những thay đổi đáng kể đối với các con số vào mùa mua sắm cuối năm nay. Nói cách khác, với bất cứ ai có ý định “tậu” một chiếc SUV cỡ trung thời gian tới, nhiều cơ hội đang chờ đợi phía trước.
Theo Hà Nội mới
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu