Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Chiết Giang Geely Holding Group tuần trước công bố, công ty thành viên Aerofugia của doanh nghiệp hoàn thành thành công chuyến bay thử nghiệm nguyên mẫu taxi bay cất và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) ngày 5/2.
Chiếc taxi bay eVTOL thuộc dòng AE200, có cấu trúc thiết kế động cơ cánh quạt xoay nghiêng, cánh rộng gắn trên cùng thân có 4 trục lắp 8 động cơ điện cánh quạt nâng, trong đó có 4 động cơ trục xoay (tilt-motor) đẩy và 4 động cơ nâng cố định khi bay. 4 động cơ trục xoay thực hiện nhiệm vụ nâng taxi bay lên độ cao cần thiết, sau đó quay 90o về phía trước, chuyển sang trạng thái đẩy.
Máy bay đã được thử nghiệm liên tục trong vòng 2 tháng sau khi Aerofugia nhận được giấy phép đầu tiên của Trung Quốc cho một chiếc taxi bay có người lái. Máy bay hiện có ghế lái cho một phi công và ghế ngồi cho 4 hành khách.
Hình dáng chiếc eVTOL có vẻ quen thuộc, do thiết kế bên ngoài của taxi bay gần giống với chiếc eVTOL Terrafugia Transition xuất hiện ở Massachusetts vài năm trước. Xe taxi bay của Terrafugia có giá 279,000 USD, có thể bay trên quãng đường 800 km trong một lần sạc.
Công ty Terrafugia được Geely mua lại vào năm 2017, sau đó doanh nghiệp phải đóng cửa và chuyển về Trung Quốc năm 2021.
Geely sau đó đầu tư khoảng 55 triệu USD vào công ty eVTOL Volocopter của Đức, mở một công ty con có tên là Aerofugia ở Thành Đô và hậu thuẫn sáp nhập Terrafugia với nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) AOSSCI của Trung Quốc để phát triển kinh doanh taxi hàng không eVTOL.
Doanh nghiệp cũng thực hiện một số khoản đầu tư khác mua lại Volvo Cars vào năm 2010, mua số lượng cổ phần kiểm soát Lotus Cars năm 2017 và cổ phần thiểu số trong Tập đoàn Mercedes-Benz năm 2018.
Máy bay taxi eVTOL AE-200 của Aerofugia thuộc công ty sản xuất ô tô Geely. Ảnh Geely/Weibo. |
Hiện nay, Aerofugia đã có một nguyên mẫu quy mô đầy đủ eVTOL có thể bay trên không trung, được phát triển từ một số thiết kế eVTOL sau này của nhóm Terrafugia.
“Chuyến bay thử nghiệm thành công của AE-200 Aerofugia thuộc Geely cho thấy doanh nghiệp có đủ năng lực khoa học và kỹ thuật để hiện thực hóa tính khả thi thương mại dự án ô tô bay của công ty,” Wang Ke, nhà tư vấn cấp cao ngành công nghiệp ô tô của công ty Analysys tại Bắc Kinh, trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Tương tự như các công ty eVTOL đồng nghiệp của Trung Quốc là Autoflight và TCab Tech, công ty Aerofugia đang có kế hoạch tung ra thị trường với một thiết kế thử nghiệm, thay vì đi thẳng vào robot taxi hàng không như eHang, được sử dụng để đưa hành khách bay theo lộ trình điều khiển từ mặt đất.
Theo SCMP, nguyên mẫu AE200 là eVTOL lớn nhất của Trung Quốc từng bay, nhưng vẫn chưa rõ ràng, chiếc eVTOL này có những đặc điểm nào gần với TF -2 đến mức nào? TF-2 là chiếc taxi bay mà Aerofugia hy vọng sẽ được chứng nhận và đưa vào sử dụng vào năm 2025 đến 2026.
Máy bay taxi eVTOL TP-2 của Aerofugia thuộc công ty sản xuất ô tô Geely. Ảnh Geely/Weibo. |
TF-2 cũng là một chiếc eVTOL 5 chỗ, nhưng có hình dạng cabin khác, cánh sau nâng lên và một động cơ đẩy phía sau cabin cho chuyến bay hành trình. Chỉ có hai trong số 8 động cơ cánh quạt có khả năng xoay trục về phía trước trong khi bay hành trình, các động cơ còn lại vẫn được định hướng theo chiều thẳng đứng.
Geely là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 7 ở Trung Quốc, bán được hơn 2 triệu xe mỗi năm với doanh thu khoảng 14 tỷ USD. Là công ty mẹ của Aerofugia, doanh nghiệp có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển taxi bay eVTOL. Aerofugia chắc chắn có thể p trở thành một doanh nghiệp có vị thế trong cuộc đua eVTOL ở Trung Quốc.
AE-200 Aerofugia vẫn còn nhiều chuyến bay thử nghiệm cần hoàn thành để tích lũy đủ dữ liệu an toàn để xin giấy phép chính thức phát hành phương tiện eVTOL thương mại. Một đại diện của Aerofugia, trả lời phỏng vấn với SCMP cho biết, chứng nhận này có thể sẽ đạt được “trong vòng 3 đến 5 năm”.
Trung Quốc hiện đang có sự quan tâm đặc biệt đối với các phương tiện eVTOL. Những nguyên mẫu hiện tại đang thử nghiệm được thiết kế để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông trên mặt đất và giảm lượng khí thải carbon.
Nhà phân tích Ke của Analysys cho biết: “Hiện tại, độ an toàn và ổn định kỹ thuật vẫn chưa được kiểm chứng. Taxi bay ở Trung Quốc vẫn còn rất mới nên sẽ cần thời gian để mọi người chấp nhận công nghệ.”
Theo New Atlas
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu