Báo chí cho biết, nguyên nhân khiến 3 quan chức này ngã ngựa có liên quan đến việc mấy trăm ngôi biệt thự được xây dựng trái phép tại Tần Lĩnh – nơi “phong thủy đắc địa”, được coi là “Long mạch Hoa Hạ” và cũng là “Lá phổi xanh của tỉnh Thiểm Tây”. Đích thân ông Tập Cận Bình từng 6 lần bút phê phá dỡ mà không xong, lần này “sấm sét đã giáng xuống” cố đô Tây An: một chiến dịch tháo dỡ rầm rộ đang được cơ quan Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương chỉ đạo tiến hành, các quan chức liên đới thì liên tiếp bị quật ngã…
Các quan chức liên tiếp ngã ngựa
Báo chí Trung Quốc ngày 8.11 đưa tin, ngày 1.11, ông Tiền Dẫn An, Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây bị thẩm tra và điều tra. Ngay sau đó, Vệ Húc Phong Cục trưởng Tài nguyên đất đai thành phố Tây An – một bộ hạ cũ của Tiền Dẫn An bị điều tra. Trước đó, Sử Phàm, Bí thư đảng ủy khu Ngư Hóa, cũng bị đưa đi điều tra.
Sáng 5.11, một cuộc hội nghị được tổ chức để thông báo quyết định quyết định của trung ương điều tra Tiền Dẫn An và việc xử lý các ông Thượng Quan Cát Khánh, Phó bí thư, Thị trưởng Tây An và Trình Lập Quần, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp Tây An. Ngoài ra, báo chí cũng đưa tin Bí thư thành ủy Tây An Vương Vĩnh Khang bị điều đi giữ chức Phó thị trưởng Thiên Tân, Cựu thị trưởng Trần Bảo Căn bị giáng cấp xuống làm nhân viên cấp ban và đang bị điều tra.
Các biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh bị phá dỡ.
|
Vùng đất “Long mạch” bị chiếm đoạt
Tất cả những người trên đều có liên quan đến vụ hàng ngàn biệt thự xây dựng trái phép ở dãy Tần Lĩnh.
Tần Lĩnh là đường phân giới khí hậu giữa Bắc - Nam Trung Quốc và là tấm bình phong an toàn sinh thái quan trọng; được các đời hoàng đế Trung Hoa từ xưa coi là “Long mạch của văn minh Hoa Hạ”, chiếm địa vị đặc biệt quan trọng. Khu Trường An thuộc Tần Lĩnh cũng là nơi có tài nguyên phong phú. Nắm được điều này, Tiền Dẫn An sau khi thành lập khu (quận) Trường An, năm 2003 được cử làm Bí thư khu ủy, đã mạnh tay chi tiền hoạch định ra “Chiến lược Trường An mới”. Trong đó, bao gồm “Bàn đạp kinh tế Bắc Lệ”. Bắt đầu từ đó, hoạt động xây dựng biệt thự ở Bắc Lệ diễn ra với một quy mô và tốc độ được mô tả là “điên cuồng”. Các ông chủ giới địa ốc lấy lý do khai thác du lịch để thuê đất, mượn đất rồi huy động phương tiện phá rừng, đào hồ, tạo sơn, trồng cây để xây dựng các khu biệt thự cao cấp.
Theo báo chí, qua điều tra thấy có tới hơn 300 ngôi biệt thự đã được xây dựng rải rác khắp khu vực Bắc Lệ rộng 5.000 km2, phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái. Chủ của hơn 300 ngôi biệt thự này “phi phú tắc quý”, toàn cánh chủ tư nhân giàu có, giới quyền quý và cán bộ đảng viên.
Sau khi bị báo chí phát hiện đưa tin, các công trình này không những không dừng lại mà vẫn tiếp tục hoàn thiện, mọc thêm, thậm chí công khai quảng cáo rao bán… Cuối năm 2014, địa phương đã tiến hành dỡ bỏ hoặc tịch thu, cải tạo 202 biệt thự, xử lý 28 người có liên quan, 110 người bị kỷ luật đảng, 90 người bị xử lý về mặt tổ chức, 3 quan chức cấp cục bị lập án điều tra.
Ông Từ Lệnh Nghĩa, Phó Bí thư UBKTKLTW trực tiếp chỉ đạo việc phá dỡ các biệt thự.
|
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2017, Tổ tuần thị trung ương tiến hành tái thanh tra tỉnh Thiểm Tây, trong thông báo vẫn nhắc đến vấn đề biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh, cựu Bí thư Tây An Ngụy Dân Châu bị xét xử cũng liên đới trách nhiệm.
Ngày 30.7.2018, Hội nghị chuyên đề động viên quán triệt công tác xử lý vấn đề biệt thự xây dựng trái phép ở Bắc Lệ, Tần Lĩnh được tổ chức tại Tây An dưới sự chủ trì của ông Từ Lệnh Nghĩa, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng (UBKTKLTW). Được biết, hội nghị này diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình đã 6 lần bút phê, chỉ thị về việc xử lý các biệt thự xây dựng trái phép ở Bắc Lệ phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái và công tác bảo vệ sinh thái Tần Lĩnh, nhưng “chỉnh mà không trị, cấm mà không tiệt” được.
Việc ông Tập Cận Bình 6 lần chỉ thị, Phó Bí thư UBKTKLTW đích thân xuống “áp trận” cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề và sự phẫn nộ của trung ương. Trước ngày hội nghị họp, ông Từ Lệnh Nghĩa đã về đây điều tra 1 tuần. Ông tức giận phê phán: “Có cán bộ lãnh đạo tạo nên quan hệ kiểu nhóm lợi ích chính trị - kinh doanh. Có ông chủ đánh thông trên dưới, dùng tiền rải đường, tạo mối quan hệ. Có cán bộ nhận tiền làm việc, phê duyệt sai phép, dùng quyền công cho việc tư, tham ô nhận hối lộ”.
Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Hồ Hòa Bình phát biểu tại hội nghị: "Bất kể là ai, chức vụ cao đến đâu, quyền lực lớn đến mấy, dù là công chức hay người ngoài, dù đang giữ chức hay đã nghỉ cũng đều điều tra, xử lý nghiêm, quyết không cho qua".
Sau khi kết thúc hội nghị, bắt đầu từ trung tuần tháng 8, chính quyền huy động một lực lượng lớn người và thiết bị máy móc bắt đầu tiến hành phá dỡ quy mô lớn các biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh. Tính đến ngày 24.10, toàn bộ khu Trường An đã phá dỡ 724 vụ xây dựng trái phép với tổng diện tích 790.000 m2. Trong đó, có 292 tòa biệt thự với 370 nhà, diện tích 182.000 m2.
Ông Tiền Dẫn An, Ủy viên thường vụ,Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây đã bị bắt để điều tra.
|
Nhiều biệt thự không ai dám nhận
Trong vụ việc nghiêm trọng này, Tiền Dẫn An có trách nhiệm rất lớn. Tháng 3.2007, ông An được điều khỏi khu Trường An đi giữ chức Bí thư khu Nhạn Tháp. Tháng 12.2009, ông lên làm Phó thị trưởng Tây An. Từ 12.2013 đến đầu 2017 đi giữ các chức Phó bí thư, Thị trưởng rồi Bí thư thành ủy Bảo Kê. Tháng 5.2017, ông được thăng chức Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây, cấp phó bộ.
Vụ việc biệt thự Tần Lĩnh cho thấy thực trạng đối đầu giữa chính quyền trung ương và địa phương. Gần đây trung ương Trung Quốc nêu yêu cầu “định ư nhất tôn” (có ý tôn sùng ông Tập Cận Bình là người lãnh đạo tuyệt đối, cao nhất). Một số quan chức địa phương tuy bề ngoài phát biểu bày tỏ trung thành với quyền uy hạt nhân của ông Tập Cận Bình nhưng với tâm lý cho rằng “trời cao hoàng đế xa”, ngoài miệng bày tỏ trung thành, nhưng khi thực hiện thì lại quan tâm lợi ích địa phương và thành tích cá nhân.
Chính vì vậy, đồng thời với việc phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, việc xử lý các quan chức liên đới cũng được tiến hành. Người đầu tiên là Vệ Húc Phong, Cục trưởng Tài nguyên đất đai thành phố Tây An, người nắm quyền xem xét phê duyệt, bộ hạ cũ của Tiền Dẫn An bị bắt điều tra sau khi Sử Phàm, Bí thư khu phố Ngư Hóa cũng đã bị bắt.
Những người tiếp theo bị xử lý là Thượng Quan Cát Khánh – Thị trưởng Tây An. Khi Thượng Quan Cát Khánh là Bí thư thành ủy Bảo Kê thì Tiền Dẫn An là Thị trưởng Bảo Kê, hai người là một cặp, cộng tác chặt chẽ với nhau. Tuy sau này Tiền Dẫn An vượt lên, nhưng lần này thì cả hai ắt “cùng chết”. Cùng bị xử lý còn Trình Quần Lực, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Tây An, người đã nghỉ hưu 2 năm. Lực từng giữ chức Bí thư Trường An, Cục trưởng Dân chính Tây An, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền thành ủy, Phó bí thư thành ủy Tây An.
Thượng Quan Cát Khánh, Phó bí thư, Thị trưởng Tây An (trái) và Trình Lập Quần, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp Tây An đang bị điều tra vì liên đới đến việc xây dựng các biệt thự trái phép ở Tần Lĩnh
|
Tờ Sina cho rằng, vụ việc biệt thự Tần Lĩnh, bề ngoài là xây dựng trái phép, nhưng thực tế là chống tham nhũng. Việc một loạt biệt thự xa hoa sang trọng bị đập mà không ai nhận là chủ đã cho thấy rõ điều này…Tạp chí “Trung Quốc kỷ kiểm giám sát” từng tiết lộ: "ông W. Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhận một biệt thự của ông chủ nọ với ý định mời mẹ đến ở. Nhưng bà mẹ kiên quyết không đến vì cho rằng đó là nhà người khác, không thể ở được. Nhưng W. không nghe lời mẹ, cứ nhận nhà, kết quả là đã ngã ngựa”. Nhân vật W. không nghe lời mẹ này.sau này được xác nhận là Ngụy Dân Châu, nguyên Bí thư thành ủy Tây An. Vụ nhận biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh chính là “dây cháy chậm” dẫn đến việc ông ta bị quật ngã.
Dư luận cho rằng, có thể còn có những quan chức cấp cao hơn, thậm chí là “Hổ lớn” liên đới đến vụ này. Với việc một loạt quan chức bị điều tra, tới đây có thể sẽ tiếp tục lộ diện thêm những nhân vật quan trọng mới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu