Washington đã hủy diệt đất nước Yemen như thế nào?

VietTimes -- Nhà nghiên cứu Daniel R. DePetris chỉ trích, chính những quan chức dưới chính quyền của tổng thống Obama đã thực thi chính sách can thiệp vào cuộc nội chiến Yemen thì giờ đang đồng loạt phản đối chính sách do chính họ lập ra và đổ lỗi cho chính quyền của ông Trump khi không có biện pháp thiết thực để dừng những thảm họa nhân đạo trên quốc gia châu Phi đang bị nạn đói hoành hành, theo National Interest.  
Những trẻ em chịu nạn đói ở Yemen.
Những trẻ em chịu nạn đói ở Yemen.

Nhiều năm gây tổn hại tới Sana'a (thủ đô Yemen) dưới chính sách của chính quyền tổng thống Obama đã khiến đội ngũ của ông Trump phải tập trung vào những bổn phận phải kiểm soát thương vong.

Tuần trước, hơn 20 cựu quan chức thuộc chính quyền của tổng thống Obama đã đưa ra một lá thư thông qua tổ chức phi lợi nhuận Hành động vì An ninh Quốc gia (National Security Action) kêu gọi chính quyền của ông Donald Trump rút về mọi sự hỗ trợ cho Liên minh Quân sự vùng Vịnh do Ả rập Xê-út lãnh đạo. Lá thư đã được công bố vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố dừng những chiến dịch tiếp liệu trên không (cho máy bay chiến đấu) của Washington cho Ả rập Xê-út và Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất UAE. Chiến dịch tiếp liệu này nằm trong chính sách bị cánh tả chỉ trích còn cánh hữu ủng hộ trong nhiều năm trời.

Nội dung của lá thư được ký bởi nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền thời ông Obama như cựu phó Ngoại trưởng Tony Blinken, cựu đại sứ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, cựu Giám đốc CIA John Brennan và cựu phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes, có vẻ như đã xuất hiện không đúng thời điểm.

Là đất nước nghèo nhất trong thế giới Ả rập ngay cả trước khi cuộc nội chiến tại đất nước này nổ ra, hiện Yemen đang nằm trên bờ vực trở thành đất nước có nạn đói lớn nhất thế giới trong hàng thập kỷ qua. 14 triệu dân đang thiếu ăn, và con số này sẽ chỉ tăng lên nếu những cuộc chiến dữ dội tại Hodeida gây tổn hại tới khu vực cảng của thành phố này ở bên bờ Biển Đỏ.

Ba năm rưỡi, quân đội Mỹ trợ giúp cho Riyadh và Abu Dhabi đã tạo ra một thảm họa nhân đạo mà không có mục tiêu chiến lược hay kết thúc được cuộc chiến. Al-Qaeda tại bán đảo Ả rập, chi nhánh tại Yemen đã cố gắn tấn công vào nội địa Mỹ - đã khai thác cuộc xung đột bằng rất nhiều cách. Nhóm khủng bố này ăn cắp hàng trăm triệu USD từ hầm nhà băng và tuyển mộ thêm nhiều tay súng vào hàng ngũ của chúng.

Lời khuyên của các cựu quan chức chính quyền Obama là rất đúng đắn: "Đã tới lúc để chúng ta kết thúc sự hỗ trợ và dính líu vào cuộc xung đột tàn bạo này". Tuy nhiên, đây không phải lần đầu họ biết sự dính líu của Mỹ vào cuộc nội chiến Yemen là không hợp hiến và không thể biện minh. Bên cạnh việc thừa nhận rằng họ đã thất bại trong việc đưa ra một giải pháp cho cuộc chiến, các tác giả của lá thư cũng "quên mất" rằng họ là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm cho việc đưa Mỹ vào tình thế này và Washington cuối cùng cũng phải bắt đầu đánh giá lại tình hình.

Việc Mỹ tiếp nhiên liệu cho máy bay Ả rập Xê-út, cung cấp hỗ trợ thông tin tình báo cho chỉ huy quân sự của đất nước này và hỗ trợ hoàn toàn Riyadh về mặt ngoại giao trên trường quốc tế là chính sách được thiết lập, thi hành và tài trợ bởi chính quyền của ông Obama. Và cũng cùng những nhân vật đó, hiện đang muốn Mỹ rút quân thì từng biện hộ cho sự dính líu của Mỹ khi phụng sự trong chính quyền Obama.

Như bà Samantha Power, người đã lớn tiếng chống lại Ả rập Xê-út vì những vụ đánh bom nhầm vào thường dân Yemen và các thảm họa nhân đạo lớn trên đất nước này. Vào ngày 8.11, bà đã đưa ra dòng tweet: "Chính quyền của ông Trump kêu gọi ngừng bắn tại Yemen là chưa đủ, cuộc chiến đang tồi tệ hơn ở Hodeidah vào lúc này". Đây sẽ là một tuyên bố đáng chú ý về mặt đạo đức nếu không có thực tế rằng Power và đội ngũ của bà tại Liên Hợp Quốc đã có rất ít hành động để kiềm chế hành vi của Ả rập Xê-út ngoài những từ ngữ sống động trên báo chí.

Vào năm 2015, khi Hà Lan nỗ lực để thông qua một nghị quyết cho phép thành lập một nhóm điều tra tội ác chiến tranh độc lập, công bằng và công khai của Liên Hợp Quốc trong cuộc xung đột, phái đoàn Mỹ đã gạt nó sang bên lề còn Riyadh thì làm "lệch hướng" nỗ lực này. Thay vì thiết lập một ủy ban để tìm kiếm sự thực, Washington đã chống lưng cho Ả rập Xê-út và kêu gọi có một nghị quyết thống nhất. Hà Lan đã xuống nước trong dự thảo của mình sau đó rút bỏ nó hoàn toàn để đồng ý với yêu cầu hỗ trợ Ả rập Xê-út.

Ông Ben Rhodes cũng vậy. Ông kịch liệt phản đối chiến lược chiến tranh của Ả rập Xê-út tại Yemen. Vào tháng 9, cựu phó Cố vấn An ninh Quốc gia chỉ trích chính quyền của tổng thống Trump vì giao chính sách Mỹ với Yemen cho Ả rập Xê-út cùng các đối tác yếu hơn thực hiện, UAE rõ ràng xứng đáng bị chỉ trích nhưng điều đó giống hệt như chính sách của tổng thống Obama - sếp cũ của Ben Rhodes.

Trong khi Nhà Trắng của ông Obama cuối cùng cũng phải dừng việc chuyển đạn chùm và đạn dẫn đường bằng GPS trong cuộc chiến, chính quyền của ông đã có thể làm điều này sớm hơn khi hỗ trợ của Mỹ bị lạm dụng và sử dụng một cách phi pháp. Cũng cần lưu ý, trong 8 năm cầm quyền,  tổng thống Obama đã bán số vũ khí trị giá 138 tỷ USD cho Riyadh, con số khiến cho hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 16 tỷ USD thời ông George W. Bush chỉ rất nhỏ bé. 

Hiện tại, các cựu quan chức thời ông Obama không còn trong chính phủ và sống dưới một chính quyền của đảng đối lập, họ thấy cần phải lên tiếng để sửa đổi lại chính sách. Nhưng khi họ vẫn còn nắm quyền, họ đã tạo ra chính sách mà hiện tại họ đang than phiền về nó. Chính sách của Mỹ tại Yemen đã trở thành trò đùa trong một thời gian dài và được lặp lại trong 3 năm rưỡi vừa qua - Cũng chưa có phe quân sự nào chiến thắng được cuộc nội chiến Yemen. Cùng lúc Washington nói về hòa bình thì Mỹ tiếp tục thổi bùng cuộc chiến bằng cách chọn đứng cùng phe với một nước khác gây ra bạo lực.

Ngoài việc tham chiến, chính sách ngoại giao được thiết lập bởi cả hai đảng phải chịu trách nhiệm cho những gì khiến Yemen có hiện trạng như bây giờ: một đất nước thực tế không còn là một nước bình thường với thế giới. Cho tới khi chính sách ngoại giao của Mỹ được thiết lập và thực thi bởi những lãnh đạo có chiến lược kiềm chế, có vẻ như Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp vào những cuộc chiến mà mình không có lợi ích an ninh quốc gia trong đó.