Thời gian gân đây, Quân đội Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai các loại vũ khí chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là phản ứng bình thường trước mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng tại khu vực này. Nhưng chính điều này sẽ làm cho các vấn đề an ninh khu vực tiếp tục nóng lên và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc dẫn lời một lãnh đạo của Quân đội Hàn Quốc ngày 14 tháng 2 cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được nhất trí về việc để cho các vũ khí chiến lược của Mỹ như máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và tàu sân bay động cơ hạt nhân tham gia các cuộc tập trận chung Key Resolve và Foal Eagle giữa Hàn - Mỹ tổ chức vào tháng 3 năm nay.
Tài liệu do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trình lên Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc cùng ngày cho biết Hàn Quốc và Mỹ thông qua các cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất trong lịch sử sẽ thể hiện được quyết tâm quân đội hai nước kiên quyết ứng phó với các hành vi “khiêu khích” của Triều Tiên.
Hàn Quốc đang tiến hành tham vấn với Mỹ về quy mô vũ khí chiến lược của Mỹ tham gia các cuộc diễn tập sắp tới.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ tái khẳng định cam kết an ninh đối với Hàn Quốc và cho biết sẽ cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế duy trì hợp tác chặt chẽ để ứng phó với “khiêu khích” của Triều Tiên.
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cho rằng Triều Tiên phóng thử tên lửa là hành vi khiêu khích, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đồng thời, chương trình tên lửa của Triều Tiên tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn cho biết các cuộc tập trận chung lần này có trọng điểm là tiến hành tập luyện nâng cao khả năng ứng phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên, đồng thời còn tổ chức huấn luyện “diệt địch bằng hỏa lực tổng hợp”, phát đi tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ đối với Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ thông qua triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng.
Để nâng cao khả năng ứng phó của Quân đội Hàn Quốc, kịp thời xây dựng “hệ thống 3 trục kiểu Hàn” (tác chiến báo thù tấn công quy mô lớn, hệ thống phòng thủ tên lửa kiểu Hàn, hệ thống chuỗi sát thương), Chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 74 tỷ Won để tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ cốt lõi liên quan đến hệ thống 3 trục này.
Cơ quan quốc phòng của ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cùng ngày tổ chức hội nghị video để bàn bạc duy trì hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó có hiệu quả với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tăng cường trao đổi và chia sẻ tin tức tình báo.
Trước đó, vào ngày 12 tháng 2, Triều Tiên đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2, được cơ quan tình báo Hàn Quốc cho là có tầm phóng trên 2.000 km.
Có tin trước đó cho biết Hàn Quốc và Mỹ sẽ triển khai tập trận chung vào tháng 3 năm nay, các vũ khí chiến lược của Quân đội Mỹ đang tập kết ở khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược đã triển khai ở căn cứ Guam; máy bay chiến đấu tàng hình cũng được Mỹ điều động từ Alaska đến căn cứ quân Mỹ tại Nhật Bản.
Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ngày 12 tháng 2 cho biết tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson rời cảng chính Santiago, đến căn cứ hải quân Guam vào ngày 10 tháng 2.
Đến ngày 19 tháng 2, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson bắt đầu tiến hành tuần tra ở Biển Đông, đồng thời sau đó sẽ đến thăm cảng biển và giao lưu với các nước trong khu vực.
Việc Mỹ lập tức triển khai cụm tấn công tàu sân bay tuần tra ở Biển Đông đã cho thấy Mỹ tiếp tục tích cực tham gia vào các vấn đề an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện rõ chính sách an ninh cứng rắn của chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.