Tướng Trung Quốc đe "tàu sân bay Mỹ không có lối về" nếu nổ ra chiến tranh Biển Đông

VietTimes -- Tướng học giả Trung Quốc Kiều Lương cho rằng hiện nay không cần lo ngại về khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra chiến tranh ở Biển Đông. Nhưng nếu có chiến tranh thật thì tàu sân bay Mỹ sẽ không có lối về.
Thiếu tướng không quân Kiều Lương, Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Sina
Thiếu tướng không quân Kiều Lương, Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Sina

Tờ Thời báo Hải quân Mỹ vừa qua cho biết Hải quân Mỹ có kế hoạch điều tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson đến Biển Đông để thực hiện hành động tự do đi lại, sẽ hoạt động ở vùng biển 12 hải lý của các đảo, đá ngầm trên Biển Đông. Kế hoạch này đang được trình lên Tổng thống Donald Trump để phê chuẩn.

Hiện còn chưa rõ ông Donald Trump có phê chuẩn kế hoạch này hay không. Nếu ông Donald Trump phê chuẩn kế hoạch này, cho phép tàu sân bay Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của các đảo, đá ngầm ở Biển Đông thì điều này bị trang tin Sina Trung Quốc ngày 15 tháng 2 coi là một "thách thức nghiêm trọng" về mặt hành động đối với cái gọi là "chủ quyền" mà Trung Quốc luôn cố nhận.

Trước đó, ông Stephen K. Bannon, cố vấn chiến lược hàng đầu của ông Donald Trump đã định nghĩa quan hệ Trung -  Mỹ là có tính chất đối kháng, đồng thời dự báo trong 5 - 10 năm tới Biển Đông chắc chắn sẽ xảy ra chiến tranh.

Từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2015, Tổng thống nhiệm kỳ trước của Mỹ là Barack Obama rõ ràng đã hạn chế để Hải quân Mỹ triển khai các hành động tự do đi lại ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã giảm các hành động ở xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson. Ảnh: Sina
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson thuộc Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina

Nhưng, từ năm 2016 đến nay, các nhà lãnh đạo Quân đội Mỹ như Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ lại nhiều lần tìm cách đối phó cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông lần này phải chăng sẽ gây ra va chạm, thậm chí xung đột quân sự quy mô nhỏ?

Đối với vấn đề này, Thiếu tướng không quân Kiều Lương, chuyên gia phân tích chiến lược Trung Quốc cho rằng Mỹ sớm đã đặt ra "chừng mực" đối với tình hình quân sự ở Biển Đông, mọi hành động của Mỹ ở Biển Đông là một hoạt động phô trương, muốn để Trung Quốc khó xử nhưng không đến mức "trở mặt hoàn toàn" với Trung Quốc.

Theo Kiều Lương, không cần thiết lo ngại Trung Quốc và Mỹ sẽ xảy ra chiến tranh ở Biển Đông. Người Mỹ hiểu rất rõ ràng rằng hai tàu sân bay đi lại trên Biển Đông không có vấn đề gì, nhưng nếu đánh nhau thật thì hai tàu sân bay có thể sẽ không có lối về.

Biển Đông khi trở thành chiến trường thì nó quá hẹp. Nếu xảy ra chiến tranh thì nước chiếm ưu thế duy nhất chính là Trung Quốc. Điều này có nguồn gốc từ các yếu tố liên quan đến địa lý.

Mỹ mặc dù có lực lượng quân sự mạnh, nhưng tuyến đường tiếp tế rất dài của họ không thể đáp ứng được nhu cầu tác chiến ở Biển Đông. Các khu vực như Philippines, Guam cũng không thể đáp ứng được nhu cầu này.

Máy bay trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina
Máy bay trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina