Đó là một trong những nội dung được đại diện Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Vietnamobile trao đổi rộng rãi tại Hội thảo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT, diễn ra mới đây.
Đã cơ bản phủ sóng 3G toàn quốc
Theo bà Elizabete Fong, hiện doanh nghiệp viễn thông này đã hoàn tất việc chuyển đổi sang mô hình mô hình công ty cổ phần, doanh thu tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 52% kế hoạch năm 2017. Tính đến hết ngày 30/6, Vietnamobile đã cơ bản phủ sóng toàn bộ 3G tới 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Lượng thuê bao giảm 9% so với cùng kỳ năm 2016 do số lượng thuê bao 2G giảm. Khi Vietnamobile dần mở rộng vùng phủ 3G, thuê bao 3G của Vietnamobile đã tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Vietnamobile cũng đã nghiêm túc thực hiện việc thu hồi SIM trên kênh phân phối theo cam kết, tỷ lệ SIM nghi ngờ kích hoạt giảm mạnh 53% so với 6 tháng cuối năm 2016.
Cùng với đó, bà Elizabete Fong cũng nhấn mạnh: “Vietnamobile đã triển khai và tăng cường các giải pháp hạn chế tin nhắn rác. Kết quả, tin nhắn rác giảm 65% so với 6 tháng cùng kỳ. Thực hiện cam kết giữa 5 doanh nghiệp viễn thông, Vietnamobile đang đầu tư nâng cấp hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả hơn”.
Bà cũng cho biết theo Nghị định 49, chỉ các đại lý do doanh nghiệp ủy quyền được phép bán SIM, Vietnamobile đã bắt đầu xây dựng hệ thống cửa hàng với hơn 2.000 cửa hàng, dự kiến đầu tư khoảng 7 triệu USD để tạo điều kiện cho khách hàng được đăng ký lại thông tin chính xác.
Đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ TT&TT, Tổng giám đốc điều hành Vietnamobile bày tỏ vui mừng trước chủ trương của Bộ TT&TT về trung lập công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động triển khai công nghệ mới.
“Hiện nay đã có 4 trong 5 nhà mạng viễn thông di động đã được cấp giấy phép 4G, Vietnamobile rất mong Bộ TT&TT quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm có được giấy phép để nhanh chóng đưa dịch vụ 4G phục vụ khách hàng”, bà Elizabete Fong nói.
Vietnamobile đang gặp nhiều khó khăn về tài nguyên tần số. Thực tế, nếu so với các nhà mạng doanh nghiệp nhà nước, tài nguyên tần số của mạng di động Vietnamobile được đánh giá là yếu thế nhất trong cạnh tranh dữ liệu băng rộng. Vietnamobile không được cấp phép bằng tần 1800 MHz cho dịch vụ băng thông rộng.
Đặc biệt, tại băng tần 2100 MHz, Vietnamobile đang phải chia sẻ chung với doanh nghiệp khác. Việc bị hạn chế sử dụng băng tần chia sẻ cộng thêm việc tài nguyên tần số hạn hẹp, Vietnamobile đang đối mặt với việc hạn chế tài nguyên để phát triển trong thời gian ngắn nữa và dự đoán khả năng nghẽn mạng trầm trọng có thể xảy ra sớm hơn tại một số địa phương trong điểm. Khi đó, để đảm bảo dung lượng và chất lượng dịch vụ cho khách hàng, Vietnamobile phải đầu tư nhiều thiết bị viễn thông và hạ tầng mạng dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả, không thể cạnh tranh công bằng với các mạng khác.
Vì vậy, Tổng giám đốc Vietnamobile đề nghị, để mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh trong khi nhu cầu sử dụng dữ liệu ngày càng gia tăng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, doanh nghiệp, Bộ TT&TT xem xét cấp thêm tần số để doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng nhằm tăng tốc sử dụng băng rộng tốc độ cao.
Kể từ đầu năm 2017, theo chỉ thị của Bộ, Vietnamobile đã dừng cung cấp các thuê bao đầu số 11 số. Do đó, Vietnamobile hiện nay gặp khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới vì chỉ có 1 đầu 10 số 092 đang dần cạn kiệt và không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh. Trước nhu cầu vô cùng cấp bách đó, Vietnamobile đề xuất Bộ TT&TT sớm phê duyệt cấp thêm đầu 10 số để phục vụ nhu cầu thị trường.
Về việc này, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết hiện nay đầu số duy nhất hiện nay của Vietnamobile là 092, hiệu suất sử dụng đã vượt quá 95%. Với vai trò là đơn vị được giao chủ trì triển khai chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, sau khi chuyển đổi mã vùng, Cục sẽ họp với doanh nghiệp về việc sử dụng mã mạng như thế nào, trên cơ sở đó sẽ thực hiện tiếp việc phân bổ mã mạng đầu 10 số cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, Vietnamobile đang cung cấp 3G trên băng tần 2.100 MHz, khai thác băng tần này còn có cả Viettel. Lượng băng tần ít và ở tần số cao khiến tình trạng nghẽn mạng xảy ra thường xuyên khi lượng người dùng gia tăng. Do đó, Vietnamobile cũng kiến nghị Bộ TT&TT xem xét cấp thêm tần số cho doanh nghiệp để mở rộng, tăng cường cung cấp dịch vụ 3G. Vietnamobile cũng mong muốn được tạo điều kiện cấp giấy phép 4G để có thể cung cấp dịch vụ này.
Để giải quyết tình trạng này, đại diện Bộ TT&TT - ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng cục Tần số, đề nghị Vietnamobile và Viettel cùng ngồi lại với nhau để bàn phương thức xử lý. Cục ủng hộ phương thức giải quyết là phần mà hai doanh nghiệp đang dùng chung cố gắng tách ra để sử dụng độc lập. Nếu có khó khăn thì đề xuất Bộ có hướng xử lý.