Cảnh giác trước những cú điện thoại của các kỹ thuật viên “dởm”

Viettimes -- Điện thoại đổ chuông! Có người tự giới thiệu đang làm việc cho Microsoft. Anh ta nói, trong máy tính của bạn có virus và đề nghị sẽ xóa nó. Nếu điều đó xảy ra với bạn, hãy cắt điện thoại ngay lập tức vì người gọi phần nhiều là kẻ lừa đảo.
Hình minh họa
Hình minh họa

Có thể kẻ đó sẽ cố thuyết phục chủ sở hữu máy tính cài đặt một phần mềm độc hại để hắn có thể ăn cắp dữ liệu hoặc cài đặt virus Trojan. Hắn có thể tìm kiếm chi tiết tài khoản ngân hàng - thậm chí có thể khóa máy tính và yêu cầu trả một khoản phí để mở khóa.

Thủ đoạn lừa đảo này không phải mới, nhưng những người dùng mất cảnh giác vẫn có thể tiếp tục bị mắc. Một điều mà mọi người nên biết là "Microsoft không bao giờ thực hiện các cuộc gọi không được yêu cầu đến khách hàng", Irene Nadler - phát ngôn viên của hãng nói.

Nếu bạn liên hệ với Microsoft về một điều gì đó, thư trả lời thường đến bằng e-mail. Và công ty không bao giờ tìm kiếm dữ liệu cá nhân qua điện thoại. Các công ty phần mềm và phần cứng khác cũng tuân theo cùng một nguyên tắc.

Những kẻ lừa đảo đôi khi cũng liên hệ với mọi người bằng thư điện tử hoặc bằng văn bản. Đây là một thủ đoạn được cho là nhằm vào các nạn nhân lớn tuổi, nhưng theo Microsoft, một nửa số người bị mắc lừa thuộc nhóm tuổi từ 18 đến 34.

Katharina Grasl, một chuyên gia tư vấn cho người tiêu dùng tại Đức nói: "Cần phải nghi vấn những cuộc gọi như vậy. Nếu nghi ngờ đó là cuộc gọi gian lận, bạn nên cúp máy ngay lập tức và không để  bị cuốn vào cuộc trò chuyện”.

"Trong bất kỳ tình huống nào, khách hàng cũng không nên cung cấp dữ liệu qua điện thoại", chuyên gia tiêu dùng cho biết.

“Nếu máy tính của bạn đã bị kẻ lừa đảo cài đặt phần mềm độc hại, hãy ngắt kết nối máy tính ngay lập tức với mạng Internet, và từ một máy tính khác thay đổi các mật khẩu quan trọng của bạn trên Internet” -  Grasl khuyến cáo.

"Nếu tiền đã bị chuyển sang tài khoản khác, hãy liên lạc ngay với ngân hàng để cố gắng ngừng thanh toán", cô nói.

Nạn nhân cũng nên liên lạc với cảnh sát và gỡ bỏ phần mềm độc hại khỏi máy tính của mình. Trong trường hợp cần thiết, cần sử dụng sự trợ giúp của chuyên gia. Grasl nói: "Người dùng cần phải rèn luyện sự nghi ngờ lành mạnh”.

Microsoft rất nghiêm khắc với những kẻ lừa đảo, hãng có các điều tra viên riêng của mình và liên hệ  chặt chẽ với cảnh sát trên toàn thế giới. Hãng cũng yêu cầu nạn nhân báo cáo các vụ việc thông qua hình thức trực tuyến.

Người khổng lồ về phần mềm này không phải là công ty duy nhất phải đối mặt với những trò lừa đảo  như vậy. Các cú điện thoại lừa đảo cũng có thể đến từ những kẻ tự xưng là đang làm việc cho các công ty công nghệ và viễn thông nổi tiếng khác.

Việc theo dõi thủ phạm và lấy lại bất kỳ khoản tiền nào bị mất là rất khó, vì vậy cách bảo vệ tốt nhất là thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.

Ví dụ: "Về nguyên tắc, bạn không nên mở các email hoặc tệp đính kèm từ những người gửi không quen biết", ông Hans Retter từ Cơ quan Cảnh sát Hình sự Nhà nước ở Đức cho biết. Ngoài ra, "một chương trình chống virus cũng cung cấp một nền tảng tốt cho việc bảo vệ máy tính của bạn".

Theo thestar.com.my (nguồn dpa)