Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi nội dung Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 tới các cơ quan, bộ ngành, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trong đó có Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), và toàn thể các cơ quan đơn vị, nhân dân để lấy ý kiến đóng góp.
Theo nội dung Dự thảo, Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển 4 loại hình công nghệ số Việt Nam gồm: Nhóm 1 - Doanh nghiệp phát triển công nghệ cốt lõi; Nhóm 2 - Doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số; Nhóm 3 - Doanh nghiệp triển khai giải pháp công nghệ số; Nhóm 4 - Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.
Dự thảo, mục tiêu Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025: Phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,2 triệu nhân lực công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10-20%/năm; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 10% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới.
Giai đoạn đến năm 2030 đạt mục tiêu: Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, trong bản dự thảo đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện như hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số tiên tiến; đổi mới mô hình phát triển nhân lực, phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số…
Đặc biệt, trong dự thảo xác định, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược Make in Vietnam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.