Thư trưởng Phan Tâm chủ trì buổi làm việc. Ảnh MIC |
Theo ghi nhận của Bộ TT&TT, trong quá trình triển khai đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới vào thực tế, có một số trường hợp khung pháp lý hiện nay chưa thật sự thúc đẩy việc ứng dụng các sản phẩm mới.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng dẫn dắt thực hiện chiến lược "Make in Vietnam", sáng tạo Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam. Chỉ thông qua con đường công nghệ số mới cải thiện được thứ bậc Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thể hiện sự nhanh nhạy, năng lực đổi mới, sáng tạo và cung cấp được nhiều giải pháp công nghệ số, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội được diễn ra bình thường, được Nhà nước và xã hội ghi nhận.
Thứ trưởng cũng thông báo, hiện nay Bộ TT&TT đang hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới xây dựng Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam. Trung tâm sẽ là đầu mối Quốc gia trong việc hợp tác với WEF và mạng lưới Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên toàn cầu đề nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng các khung chính sách cho các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0.
Lắng nghe ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp như Viettel, Công ty Sao Bắc đẩu, Thứ trưởng đặc biệt quan tâm ý tưởng mới, dự án mới của Viettel sau khi làm việc với WEF cũng như ý kiến đề xuất của Công ty Sao Bắc Đẩu mong được gỡ vướng về khuôn khổ pháp lý đối với các hệ thống quan trắc môi trường,nhất là quan trắc không khí…
Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp CNTT. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất các vấn đề chính sách cần nghiên cứu để ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0.
"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nắm bắt, đi cùng cộng đồng thế giới trong triển khai ứng dụng công nghệ mới" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan thúc đẩy chính về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Bộ TT&TT đã mời doanh nghiệp tham gia các dự án nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng chính sách cho các sản phẩm từ cuộc CMCN 4.0. Bộ TT&TT cũng cho biết WEF là 1 tổ chức quốc tế độc lập, là nền tảng cho hợp tác khu vực nhà nước và tư nhân (PPP), kết nối chính phủ với doanh nghiệp, trao đổi những câu chuyện, định hình xu hướng thế giới. Các lĩnh vực công nghệ mới dự kiến được nghiên cứu trong phạm vi hợp tác gồm: Trí tuệ nhân tạo và học máy; Thiết bị bay không người lái và hàng không tương lai; Blockchain và các ứng dụng; IoT; Thiết bị tự hành và di động; Dữ liệu và quản trị dữ liệu. |