Video: Hải quân Trung Quốc diễn tập chiến đấu với tên lửa chống hạm YJ-62

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 27/1, một lữ đoàn phòng thủ bờ biển thuộc Bộ tư lệnh Chiến trường phía Bắc Hải quân Trung Quốc, "Hạm đội Biển Bắc" thực hiện diễn tập với tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 phóng từ đất liền (ASCM).

Trang Naval News, dẫn nguồn tin từ kênh CCTV Trung Quốc đưa tin, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện một cuộc diễn tập kéo dài tại ngoại vi thành phố ven biển Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Cuộc diễn tập phòng thủ bờ biển lần này là lần đầu tiên, đánh dấu sự phát triển mang tính chiến lược trên vùng biển Hoàng Hải.

Theo video do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố, lữ đoàn phòng thủ bờ biển diễn tập với 4 xe vận tải-phóng WS2400 cấu hình 8 × 8, mỗi xe trang bị 3 tên lửa hành trình chống hạm YJ -62 ASCM và một xe chỉ huy, điều khiển hỏa lực cấu hình 8×8.

Lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc diễn tập chiến đấu. Video CCTV

Hạm đội Biển Bắc (NSF) của Hải quân Trung Quốc trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Bắc, có trụ sở tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, khu vực chịu trách nhiệm an ninh là miền bắc Trung Quốc, tiếp giáp với Bán đảo Triều Tiên. Người dùng mạng xã hội X (Twitter) Ise Midori đã phát hiện vị trí cuộc diễn tập dựa trên video của CCTV.

Tên lửa YJ-62 cho đến nay đã được Quân đội Trung Quốc triển khai chủ yếu tại khu vực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Đông, có trụ sở tại Thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, vùng trách nhiệm là eo biển Đài Loan và Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Nam có trụ sở tại Thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Quảng Đông, vùng trách nhiệm là biển miền Nam Trung Quốc.

Dường như các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm này lần đầu tiên được triển khai cho các đơn vị phòng thủ bờ biển thuộc Bộ Tư lệnh Chiến trường miền Bắc.

YJ-62 là tên lửa chống hạm tầm trung, được trang bị động cơ đẩy phản lực, có thể được phóng từ trên không, trên đất liền hoặc trên biển. Theo trang Global Security, tên lửa có tầm bắn tối đa 500 km, được trang bị đầu đạn xuyên giáp nổ phá mạnh nặng 450 kg. Tốc độ cận âm tối đa đạt 0,9 Mach.

GlobalSecurity.org cho biết, với đầu đạn xuyên giáp nặng tới 300 kg, tên lửa khi đánh trúng mục tiêu có thể gây hư hại nghiêm trọng hoặc đánh chìm chiến hạm trọng tải 5.000 tấn.

Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa YJ-62 ("Đại bàng Tấn công" Yingji-62, định danh xuất khẩu - C-602) được thiết kế để tấn công chiến hạm mặt nước các loại trong điều kiện tác chiến điện tử và nhiễu hỏa lực mạnh. Tên lửa có thể được trang bị cho nhiều phương tiện mang khác nhau, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, tác chiến độc lập hoặc trong đội hình chiến đấu, có thể tấn công cả các mục tiêu mặt đất.

YJ-62 do Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (Học viện Hàng không Vũ trụ Thứ III) phát triển. Tên lửa lần đầu tiên được đưa vào biên chế trong Hải quân Trung Quốc năm 2004, trang bị cho khu trục hạm Dự án 052C - Khu trục hạm Lan Châu với số hiệu thân tàu là 170.

ten-lua-chong-ham-yj-62-7556.jpg
ten-lua-chong-ham-yj-6201-2568.jpg
Hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-62. Ảnh GlobalSecurity.org

Trên cơ sở tên lửa YJ-62, Trung Quốc phát triển các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển, trang bị cho máy bay ném bom tiên tiến H-6K Xian và tàu ngầm mang tên lửa.

Trung Quốc cho phép xuất khẩu YJ-62 vào năm 2005 với tên gọi là C-602, có tầm bắn 280 km để tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Năm 2009, 120 tên lửa C-602 được đưa vào biên chế của Hải quân Pakistan, được sử dụng làm đối trọng với tên lửa BrahMos của các chiến hạm Ấn Độ.

Hải quân Trung Quốc sử dụng phiên bản mới của tên lửa YJ-62 với tầm bắn mở rộng, được đặt tên là YJ-62C. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, 120 tên lửa YJ-62C được trang bị cho các đơn vị phòng thủ bờ biển của Căn cứ Hải quân Phúc Kiến (Hạm đội Đông Hải).

Hệ thống điều khiển YJ-62 bao gồm đầu dẫn radar chủ động (ARGHS), hệ thống định vị quán tính phi nền tảng con quay hồi chuyển laser, thiết bị đo độ cao vô tuyến và bộ cấp nguồn. Trong quá trình hành trình, tên lửa được dẫn hướng bằng hệ thống định vị quán tính hỗ trợ định vị vệ tinh GLonass và hệ thống định vị vệ tinh quốc gia Compass của Trung Quốc, phiên bản xuất khẩu C-602 sử dụng thiết bị thu tín hiệu GPS.

Hiện nay, Compass chỉ phủ sóng ở Châu Á và một phần Thái Bình Dương, nhưng dự kiến ​​sẽ triển khai trên toàn cầu trong khoảng 5 năm. Phạm vi phát hiện mục tiêu của radar chủ động ARGSN là 40 km, khóa mục tiêu tấn công là 30 km, trường quét radar ± 40°.

Theo các báo cáo chưa được xác nhận, YJ-62 có thể được trang bị đường truyền dữ liệu đa chiều, nhận chỉ định mục tiêu từ radar máy bay chiến đấu và trực thăng trinh sát, tên lửa cũng có tính năng chuyển hướng bay từ mục tiêu ban đầu sang các mục tiêu khác.

Độ cao bay của tên lửa so với mặt đất khoảng 30m, trên mặt biển khoảng 10m. Tiến vào khu vực tấn công hiệu quả, tên lửa hạ xuống độ cao 7m so với mực nước biển. Tên lửa có thể hoạt động khi biển động 6 độ, tốc độ gió lên tới 20m/s và nhiệt độ môi trường từ -30° đến +60°С.

Bệ phóng trên bờ được gắn trên khung gầm xe tải địa hình cấu trúc 8x8 và trọng tải 22 tấn. Xe vận tải – phóng được trang bị 3 thùng phóng YJ-62. Một khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển có 4 xe phóng, xe chỉ huy khẩu đội, xe vận chuyển nạp tên lửa và xe hỗ trợ kỹ thuật.

Hiện nay, tên lửa chống hạm YJ-62 không phải là tên lửa chống hạm hạng nặng duy nhất của Trung Quốc, Hải quân quốc gia này được trang bị các ASCM tiên tiến và có tầm bắn xa hơn như YJ-12 và YJ-18. YJ-12 cũng được lực lượng phòng thủ bờ biển sử dụng tương tự như YJ-62. Ngoài ra, PLA còn có rất nhiều loại tên lửa hành trình tấn công bề mặt tầm xa khác nhau và các tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm tấn công đến hàng nghìn km.

Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Bắc là một trong năm Bộ Tư lệnh chiến trường của Quân đội Trung Quốc, bao gồm ba tỉnh phía đông bắc Cát Lâm, Liêu Ninh và Hắc Long Giang, Khu tự trị Nội Mông và tỉnh Sơn Đông. Quân đội Trung Quốc hiện đang tăng cường năng lực chiến đấu của các lực lượng, đang triển khai trên khu vực bờ biển phía đông bắc của Trung Quốc và Hoàng Hải (tên tiếng Hàn là Biển Tây), sẵn sàng đối phó với những biến động bất thường về an ninh với Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

ten-lua-chong-ham-yj-6203-4855.jpg
YJ-62 có phạm vi hoạt động từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Phần lớn vùng biển Hoàng Hải và bờ biển phía Tây của Triều Tiên đều nằm trong tầm bắn của tên lửa. Ảnh Naval News

Hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 được triển khai tại Hải Dương sẽ đưa vùng biển Hoàng Hải và khu vực bán đảo Triều Tiên vào tầm bắn. Biển Hoàng Hải nằm giữa Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên, là “hành lang chiến lược” đối với Trung Quốc do nối liền với Vịnh Bột Hải,

Biển Hoàng Hải có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về địa lý và lịch sử đối với Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên, đồng thời có vị trí quan trọng chiến lược về quân sự, ngoại giao và thương mại. Đồng thời, đây là vùng nước chung với Bán đảo Triều Tiên nên duy trì an ninh và ổn định ở Hoàng Hải và Bán đảo Triều Tiên là vấn đề mang tính chiến lược để phát triển của Trung Quốc.

Triển khai các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm ở Hải Dương, Trung Quốc đặt mục tiêu sẵn sàng phong tỏa biển Hoàng Hải nếu bùng phát tình huống không mong đợi trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Naval News