Video bay trên máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion Việt Nam sắp mua

Cây bút Tyler Rogoway của trang tin FoxtrotAlpha kể lại những khoảnh khắc thú vị khi được bay trên máy bay tuần tra biển và săn ngầm của Hải quân Mỹ, loại P-3C Orion.
Máy bay P-3C Orion của Không đoàn tuần biển số 9 bay quan sát Địa Trung Hải, ngày 1.4.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Máy bay P-3C Orion của Không đoàn tuần biển số 9 bay quan sát Địa Trung Hải, ngày 1.4.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Máy bay tuần biển và săn ngầm P-3C Orion do Lockheed Martin chế tạo, được Hải quân Mỹ sử dụng hơn 50 năm nay, chuyên tuần tra biển và tác chiến chống tàu nổi lẫn tàu ngầm.

Ba chức năng chính của máy bay P-3C là săn tàu ngầm, chống tàu mặt nước và trinh sát thu thập tin tức. Một máy bay như vậy thường có phi hành đoàn 11 người gồm 3 phi công và các chuyên viên điện tử, xử lý thông tin và điều khiển vũ khí. Tàu mang theo trong khoang bụng và dưới cánh các loại ngư lôi, tên lửa diệt hạm, mìn biển… Nói chung là cả một kho vũ khí.

Dò tìm tàu ngầm và tiêu diệt là chức năng chính của loại máy bay này. Chiếc P-3C mang theo 84 phao thuỷ âm (sonobuoy) khi cần thì thả xuống để nghe các âm thanh phát ra trong lòng biển, và qua đó máy tính phân tích để xem đâu là tiếng động do tàu ngầm tạo ra, rồi định vị vị trí con tàu.

P-3C mang theo radar ISAR dò tìm tàu nổi, phân tích sóng do tàu chạy trên biển tạo ra để biết đó là loại tàu gì.

Máy bay P-3C còn đóng vai trò cảnh báo trên không, tuần tra giám sát theo dõi một khu vực rộng lớn trên mặt đất, rồi truyền tín hiệu và hình ảnh cho lực lượng bên dưới theo dõi. Lúc này P-3C như là con mắt trên trời của lực lượng dưới mặt đất.

Video bay trên máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion Việt Nam sắp mua ảnh 1

Một đội tàu sân bay luôn yêu cầu máy bay P-3 Orion hỗ trợ. Trong ảnh là 2 máy bay P-3C Orion của Nhật Bản cùng đội tàu chiến Mỹ và Nhật tham gia tập trận ANNUALEX 19G trên biển Philippines ngày 16.11.2007 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Khi một đội tàu sân bay Mỹ tác chiến ở khu vực nào, chỉ huy đội tàu đều yêu cầu máy bay P-3C bay cảnh giới tàu ngầm đối phương ở khu vực tàu đi qua. P-3C còn bay trinh sát theo dõi hoạt động của hải cảng nước thù địch, quan sát theo dõi từng chiếc tàu của đối phương có thể rời cảng gây hại cho nhóm tàu sân bay. Ngày khác, máy bay P-3C có thể bay lập bản đồ các vị trí có thể bố trí tên lửa phòng không của đối phương cũng như các dàn radar, bệ phóng… Tất cả những nhiệm vụ này được P-3C thực hiện khi bay ở không phận quốc tế, bên ngoài tầm khống chế của tên lửa phòng không.

Dò tìm tàu ngầm là kỳ công nhất, như chơi đánh cờ, theo cây bút Rogoway. Chuyên viên trên máy bay dùng máy tính để phân tích âm thanh thu được từ các phao thuỷ âm (sonobuoy) là tiếng động chân vịt tàu ngầm hay tiếng động của cá, tiếng mưa rơi v.v. Việc thả phao cũng phải chính xác để có thể thu được kết quả tốt nhất. Trong chuyến bay tuần tra trên máy bay P-3C mà Rogoway đi cùng, tại một vị trí địa lý đặc biệt người ta đã thả gần hết số phao thuỷ âm để dò được 2 tàu ngầm.

Phía sau đuôi của P-3C có một cột hình trụ dài, là thiết bị dò biến thiên từ trường. Máy bay sẽ bay thấp gần mặt biển để dò sự thay đổi từ trường do thân tàu ngầm bằng thép di chuyển trong lòng biển gây ra. Tàu ngầm dù được khử từ phần lớn nhưng máy bay P-3C cũng có cách phát hiện được.

Video bay trên máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion Việt Nam sắp mua ảnh 2

Lắp các phao thuỷ âm (sonobuoy) trên máy bay P-3C Orion của Không đoàn tuần biển số 9 Hải quân Mỹ tại căn cứ Sigonella, Sicily (Ý), ngày 1.4.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Video bay trên máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion Việt Nam sắp mua ảnh 3

Một máy bay P-3C của Nhật (trái) và P-3C của Hải quân Mỹ bay phía trên tàu ngầm hạt nhân USSHouston (Mỹ) lớp tàu Los Angeles, trong cuộc tập trận Keen Sword năm 2011 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Quay lại lần bay tuần tiễu năm 2014, máy bay P-3C với Rogoway phát hiện có dấu hiệu tàu ngầm lạ. Máy bay thả lần lượt phao thuỷ âm và khi thả hết gần 2/3 của số 84 phao trên máy bay, người ta mới bắt được tín hiệu của tàu ngầm. Máy bay vòng vòng ở đó gần 3 giờ để chờ 1 máy bay khác bay đến tiếp tục công việc.

Trong lúc chờ, phi hành đoàn thỉnh thoảng mới thả 1 phao để tiếp tục theo dấu tàu ngầm, và khi chiếc phao cuối cùng được thả xuống thì máy bay P-3C thứ hai bay đến đổi ca. Lúc này tàu ngầm “lạ” cũng vừa trồi kính tiềm vọng lên, và chắc hẳn người trong tàu ngầm chẳng thấy tàu bè nào quanh họ, ngoại trừ 2 máy bay P-3C Orion đang bay vòng vòng trên đầu!

Video bay trên máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion Việt Nam sắp mua ảnh 4

Tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick dưới cánh một chiếc P-3C Orion ở Hawaii, ngày 14.7.2012 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Một lần khác, ông Rogoway bay trên P-3C ở phía đông Djibouti, châu Phi, nơi Mỹ có 1 căn cứ ở đó. Lúc đó máy bay nhận được vô tuyến điện của một tàu hàng Malaysia báo có cướp biển sắp tấn công họ trên Ấn Độ Dương. Máy bay P-3C khi đó cách tàu Malaysia khoảng 330 km, và bay đến đó mất nửa giờ. Mối lo của phi hành đoàn là chỉ sợ bay đến đó và không đủ nhiên liệu quay về căn cứ, và cùng đó là nỗi sợ rằng bọn cướp biển đã lên được tàu hàng thì khó lòng làm được gì với chúng.

Hải tặc thường xuất phát từ 1 tàu mẹ, đi nhiều xuồng cao tốc bám theo tàu con mồi. Xuồng cao tốc không hẳn đã chạy nhanh được trên đại dương sóng lớn, vì vậy chúng phải chạy trước mũi tàu hàng để có thể áp vào được tàu con mồi đang lao tới.

Video bay trên máy bay tuần biển và săn ngầm P-3 Orion Việt Nam sắp mua ảnh 5

Máy bay P-3C Orion giám sát tàu hàng MV Maersk Alabama bị cướp biển tấn công hồi năm 2009 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Máy bay P-3C bay thấp dưới mây, mở radar và thiết bị quan sát hồng ngoại để nhìn xuồng cao tốc của bọn cướp biển. Trên máy bay có thể nhìn thấy tay lái xuồng trố mắt nhìn máy bay đang sà xuống. Trong khi đó chiếc xuồng cứ tiến dần đến tàu hàng Malaysia. Rồi đột nhiên chiếc xuồng đi chậm lại và khi thấy máy bay P-3C vòng vòng trên đầu, gã lái tàu liền cho xuồng quay lui, chạy về tàu mẹ. Chiếc tàu hàng Malaysia xem như đã được giải cứu.

Xem clip bên trong một máy bay P-3 Orion của Úc trong lần tìm kiếm máy bay MH370 mất tích, năm 2014:

Nguồn video: CNN

Theo Thanh Niên