Vì sao trẻ tăng động giảm chú ý phải uống thuốc kích thần?

VietTimes -- Tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder - ADHD) là rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ em. Để điều trị bệnh, các bác sĩ thường sử dụng thuốc kích thích tâm thần (hoặc thuốc kích thần) kết hợp với trị liệu hành vi. Song, nhiều phụ huynh rất băn khoăn, vì sao trẻ phải uống thuốc này? Thuốc có khiến cho bệnh của trẻ nặng hơn không?

Chia sẻ tại buổi họp mặt gia đình trẻ tăng động giảm chú ý tổ chức tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 3/11, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội - chia sẻ với nỗi băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh.

TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội.
TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội.

Theo TS. Mai, có 2 loại thuốc điều trị cho trẻ mắc ADHD gồm: thuốc kích thích tâm thần và thuốc không kích thần. Thuốc kích thích tâm thần có vẻ nặng nề hơn so với thuốc không kích thần, nhưng hiệu quả điều trị cao hơn bởi thuốc có các chất tác động vào hệ mạch thần kinh giúp thay đổi chức năng dẫn truyền và thay đổi các vấn đề về sinh học thần kinh mà trẻ ADHD đang mắc phải.

Ngoài ra, trước khi điều trị cho trẻ, người nghiên cứu đã điều trị trên chuột, trên các loại động vật khác có hiệu quả, sau đó được cấp phép đưa vào điều trị trên người. Do đó, thuốc sẽ không làm cho bệnh ADHD của trẻ thêm trầm trọng, mà ngược lại, trở thành cách điều trị các triệu chứng của ADHD hiệu quả.

Còn thuốc không kích thần tuy cũng có những mặt lợi nhất định do chỉ tác động vào một khu vực nhất định của bộ não, giúp trẻ tăng hiệu quả kiểm soát hành vi, mà không gây ảnh hưởng tới các khu vực khác của não bộ, không gây nghiện. Song, thuốc kém hiệu quả hơn so với các thuốc nhóm kích thích tâm thần.

Buổi họp mặt gia đình trẻ tăng động giảm chú ý tổ chức tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 3/11.
Buổi họp mặt gia đình trẻ tăng động giảm chú ý tổ chức tại Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 3/11.

Vì vậy, TS. Mai khẳng định các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi bác sĩ kê đơn cho bé sử dụng thuốc kích thích tâm thần.

Tuy nhiên, việc lựa chọn loại thuốc và mức độ điều trị phù hợp phụ thuộc vào tình trạng cơ thể của bệnh nhi và sẽ thay đổi theo thời gian khi trẻ trưởng thành. Do đó, để có phương pháp điều trị bệnh ADHD hiệu quả nhất, cha mẹ nên tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng và tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa - theo TS. Mai.

Bác sĩ Thành Ngọc Minh – Trưởng Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, trẻ mắc ADHD hoàn toàn không có khiếm khuyết nào về mặt cơ thể, hoàn toàn có thể hòa nhập cộng đồng và dễ dàng đạt được các vị trí cao trong xã hội nếu được điều trị bệnh ADHD sớm, hiệu quả.

GS.TS. Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - chia sẻ, ADHD không phải là bệnh mới. Hiện nay, bệnh đã được cộng đồng chú ý tới, các ca bệnh được phát hiện sớm hơn, tỷ lệ trẻ được tiếp cận điều trị cao hơn.  

Vì vậy, GS. Lê Thanh Hải mong các gia đình có trẻ mắc ADHD hãy yên tâm đưa con tới bác sĩ để điều trị bệnh, đồng thời, chủ động kết nối với những ông bố, bà mẹ khác cũng có con mắc ADHD để được hỗ trợ trong quá trình điều trị cho con mình.