Trong gần 50 năm qua, Intel luôn dẫn đầu trong công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn tại “Thung lũng Silicon”. Gã khổng lồ đã tiên phong trong cuộc cách mạng trên máy tính để bàn với bộ vi xử lý mạnh mẽ và sở hữu những nhà máy sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, giá trị của Intel đã sa sút hàng tỷ USD trên thị trường khi Apple công khai ý định ngừng sử dụng vi xử lý của Intel để phát triển con chip riêng. Đó là lời cảnh tỉnh cho các đối tác kiếm tiền từ Apple bởi “Táo khuyết” không hề muốn phụ thuộc vào những công ty sản xuất linh kiện.
Theo Bloomberg, Apple dự định loại bỏ tất cả chip xử lý hiện nay của Intel dành cho máy tính Mac để tự sản xuất con chip riêng. Từ đó có thể chủ động hơn khi tung ra những dòng MacBooks trong tương lai mà không bị trì hoãn bởi chu kỳ ra mắt chip xử lý của Intel. Quá trình chuyển đổi dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2020.
Mặc dù cung cấp chip xử lý cho thiết bị của Apple chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Intel, nhưng động thái này đã khiến các nhà đầu tư của Intel lo lắng. Đây cũng là một phần của thứ được các chuyên gia coi như “Học thuyết Tim Cook”: Cuối cùng, Apple sẽ sở hữu tất cả công nghệ cốt lõi trên sản phẩm của mình. CEO của Apple đã đưa ra vấn đề này trong báo cáo tài chính quý I năm 2009 của Apple và nhắc lại rất nhiều những năm sau đó.
Nhà phân tích Horace Deidu nhận định trên trang Business Insider: “Chúng tôi tin rằng cần phải sở hữu và kiểm soát công nghệ cốt lõi của sản phẩm, và chỉ nên tham gia vào thị trường nếu thu lại nguồn lợi đáng kể”.
Năm 2008, với việc mua lại công ty PA Semi, Apple đã chấm dứt hợp đồng với Samsung và tung ra dòng chip tự thiết kế trên iPhone/iPad. Những kiểm nghiệm gần đây đều cho thấy chip xử lý di động của Apple đang dần bắt kịp tốc độ của những chip xử lý dành cho PC của Intel, và chúng cũng có ưu điểm tiết kiệm điện năng hơn.
Sau đó, Apple tiếp tục thâu tóm Authentec, đồng thời sở hữu công nghệ Touch ID có mặt trên hầu hết các sản phẩm hiện nay của hãng. Apple cũng độc quyền công nghệ này và không chia sẻ như những hãng sản xuất điện thoại Android. Hiện nay, tai nghe không dây Airpods, đồng hồ thông minh Apple Watch, tai nghe Beats đều sử dụng chip bluetooth W1 mà Apple tự thiết kế thay vì mua lại từ Broadcomm như trước đây.
Năm 2014, Apple giới thiệu Swift, ngôn ngữ lập trình được tối ưu dành riêng cho thiết bị Apple. Apple chủ động mạnh tay với các công ty khác sử dụng công nghệ của hãng. Ví dụ điển hình là vụ kiện công ty sản xuất linh kiện bán dẫn nổi tiếng của Anh, Imagination Technology vì sản xuất GPU tương tự như của Apple dành cho iPhone (mặc dù COO của Apple cho biết “Táo khuyết” không có ý định dùng lại dòng GPU này nữa). Điều này đã khiến giá trị của Imagination Technology sa sút và sau đó rơi vào tay ông chủ Trung Quốc.
Và theo thông tin gần đây, “Táo khuyết” còn đang tự nghiên cứu và phát triển tấm nền màn hình MicroLED tại một cơ sở sản xuất lớn tại San Francisco để loại bỏ LG và đặc biệt là đối thủ lớn Samsung khỏi chuỗi cung ứng linh kiện.
Nếu Intel hùng mạnh đang gặp nguy cơ bị Apple lấn sân, thì các đối tác cung cấp linh kiện khác của Apple cũng nên lo ngại một ngày nào đó, Apple sẽ giới thiệu công nghệ tương tự nhưng với chất lượng tốt hơn. Bởi Apple gần như không bị giới hạn ngân sách, đằng sau họ còn khoảng 200 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán.
Không khó để nhận ra xu hướng độc quyền đang bao trùm lên tất cả thiết bị của Apple trong tương lai. Đó là chưa kể đến rất nhiều lĩnh vực chưa được lãnh đạo Apple quan tâm tới như hệ thống máy chủ hay thậm chí là kim loại và vật liệu thô.
Nhưng bất kể nó là gì, nếu Apple cho rằng đó là “công nghệ cốt lõi” thì các công ty sản xuất trong lĩnh vực đó dù đang “bắt tay” với “Táo khuyết” cũng không bao giờ thực sự an toàn.