Buổi Toạ đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia về chuyển đổi số (CĐS) đến từ Hội Truyền thông số Việt Nam, Viện Chiến lược Chuyển đổi số; lãnh đạo các ngành của tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã trình bày các giải pháp công nghệ dữ liệu để triển khai kiến trúc dữ liệu nền tảng cho mô hình đô thị thông minh gắn với sinh thái - văn hóa - du lịch; hệ điều hành thành phố để ứng dụng và vận hành hiệu quả kiến trúc dữ liệu nền tảng - một tham chiếu cho việc kiến tạo và vận hành đô thị thông minh gắn với sinh thái - văn hóa - du lịch.
Một số tham luận đáng chú ý được trình bày như hay "Giải pháp Dữ liệu để triển khai Kiến trúc Dữ liệu nền tảng" của chuyên gia DSSI hay "Đề xuất giải pháp LCNC cho thành phố thông minh" của diễn giả Nguyễn Thành Bôn.
Giới thiệu về nền tảng LCNC, ông Nguyễn Thành Bôn cho rằng LCNC có những ưu điểm vượt trội: Tùy chỉnh theo nhu cầu; Phù hợp mọi mô hình tổ chức xã hội; Mô hình không gian làm việc cá nhân, tổ chức kết nối đa chiều; Có khả năng mở rộng và linh hoạt.’
Theo ông Bôn, việc khám phá các nền tảng điều hành thông minh có thể cách mạng hóa một thành phố, giúp địa phương hoá, tự chủ, linh hoạt, cộng hưởng và sẵn sàng cho phát triển nền tảng phức tạp.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An - cho rằng, những năm qua, Thành uỷ, HĐND, UBND TP. Hội An đã có nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT), triển khai CĐS và đã đạt được những kết quả đáng kể trong các lĩnh vực như: Hạ tầng số; dữ liệu số; dịch vụ chính quyền điện tử; dịch vụ đô thị thông minh; ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội vv...
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Lanh, việc ứng dụng, phát triển CNTT, CĐS của TP. chưa tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức, hiểu biết và hành động. TP. Hội An còn thiếu các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng chính quyền điện tử, chưa chuẩn bị được các điều kiện để chủ động bước sang giai đoạn chính quyền số; các ứng dụng đã triển khai thì chưa được khai thác hiệu quả vì thiếu tính đồng bộ và kết nối.
Trong khi đó, các Nghị quyết của tỉnh Quảng Nam đã xác định: Hội An kiên trì đẩy mạnh xây dựng TP sinh thái - văn hóa - du lịch phát triển năng động, toàn diện, bền vững; phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của đô thị loại 2; là vùng động lực phát triển của tỉnh Quảng Nam, một trong những trung tâm du lịch tiêu biểu của cả nước và thế giới; trung tâm văn hóa đối ngoại, thành phố sự kiện của tỉnh.
Mục tiêu đề ra đến năm 2025, Hội An cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh trong tỉnh Quảng Nam và mạng lưới đô thị thông minh trong nước, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Đến năm 2030, CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thành phố, đưa Hội An trở thành địa phương thuộc nhóm đầu của tỉnh Quảng Nam về CĐS gắn với xây dựng mô hình đô thị thông minh.
"Để hiện thực hóa những định hướng, mục tiêu đó, chuyển đổi số là một trong những con đường và giải pháp mà TP. Hội An phải đẩy mạnh hơn nữa" - ông Lanh nhấn mạnh.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm, từ góc nhìn tổng thể mang tính chiến lược, cho đến những phương thức vận dụng chiến lược vào các ứng dụng cụ thể do các chuyên gia đề xuất, đã mang đến cho thành phố Hội An bức tranh tổng thể về hoạt động chuyển đổi số của địa phương, từ đó, hình dung được lộ trình cụ thể để tham khảo, rà soát, đối chiếu và điều chỉnh về các kế hoạch thực thi chuyển đổi số của thành phố.