U tuyến yên không phải là ung thư

VietTimes -- PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh và Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Asean – cho biết, u tuyến yên thường không phải là ung thư và không di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Asean, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xem phim chụo X-quang của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Asean, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xem phim chụo X-quang của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo PGS.TS. Đồng Văn Hệ, bệnh lý u tuyến yên thường hay gặp ở người trưởng thành. Nhiều nghiên cứu chỉ ra cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người bị u tuyến yên. Phần lớn những khối u tuyến yên rất nhỏ, không có triệu trứng lâm sàng hoặc không bao giờ có dấu hiệu gì và không cần điều trị.

Vì thế, người có u tuyến yên phải điều trị chiếm tỷ lệ thấp. Khối u tuyến yên chiếm 25% khối u trong sọ được phẫu thuật.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ khẳng định: U tuyến yên thường không phải là ung thư nên không di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, khi tăng trưởng, chúng có thể chèn ép lên các thần kinh và mạch máu quan trọng.

Khối u phát triển sẽ dẫn đến tình trạng mất thị lực hoàn toàn, thần kinh thị giác bị hủy hoại nặng. Bản thân khối u hoặc việc cắt bỏ khối u có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết vĩnh viễn. Trong trường hợp này, người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp bổ sung hormon.

Hiện, có nhiều phương pháp đang được sử dụng để điều trị u tuyến yên. Khi khối u gây chèn ép thần kinh thị giác, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

Với đa số trường hợp, u tuyến yên được cắt bỏ qua đường mũi hoặc qua các xoang. Tuy nhiên, một số u không thể phẫu thuật được qua các đường trên mà phải mổ cắt bỏ u xuyên qua sọ.

Xạ trị được sử dụng để giảm thể tích khối u. Có thể phối hợp xạ trị với phẫu thuật hoặc sử dụng xạ trị đơn độc ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sau giúp giảm thể tích khối u như: Bromocriptine hoặc cabergoline là trị liệu đầu tay cho các khối u tiết prolactin.

Các thuốc này sẽ giúp giảm lượng prolactin và làm teo nhỏ khối u; Octreotide hoặc pegvisomant đôi khi được dùng cho các khối u tiết hormone tăng trưởng (GH), đặc biệt khi việc phẫu thuật ít có khả năng chữa khỏi.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về các bệnh lý u não, ngày 28/3 tới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh lý u não với chủ đề “Chẩn đoán và điều trị các bệnh lý u não”.

Đến với chương trình, người dân sẽ được khám và tư vấn miễn phí cùng các chuyên gia hàng đầu về thần kinh nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý như: U màng não, U thần kinh đệm, U tuyến yên, U sọ hầu, U nền sọ.

Đặc biệt, Bệnh viện sẽ miễn phí chụp MRI/Cộng hưởng từ cho 10 người đầu tiên đăng ký.

U tuyến yên là một trong 4 loại u trong sọ hay gặp nhất (u di căn não, u màng não, u tế bào thần kinh đệm và u tuyến yên), phát triển từ tế bào tuyến yên. Đây là u lành tính, phát triển chậm. U tuyến yên nằm ở hố yên (ở nền sọ ngay phía sau gốc mũi). Tuyến yên tiết nhiều nội tiết tố quan trọng điều khiển nhiều tuyến nội tiết khác của cơ thể.