Truyền thông quốc tế: Mỹ, Nhật chỉ trích kịch liệt Trung Quốc tại Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, các ông Austin và Kishi đã chỉ trích "không nể mặt" hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngụy Phượng Hòa nói Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi TQ.
Tại Hội nghị ADMM-Plus lần 8, Mỹ, Nhật và nhiều nước phê phán mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: Deutsche Welle).
Tại Hội nghị ADMM-Plus lần 8, Mỹ, Nhật và nhiều nước phê phán mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), Hội nghị mở rộng các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8 (8th ADMM-Plus) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong hai ngày 15 và 16/6 tại Brunei. Hội nghị đã thông qua một Tuyên bố chung, nhắc lại sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982” (UNCLOS) để xây dựng Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Ngoài 10 nước ASEAN, các Bộ trưởng Quốc phòng của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng tham gia hội nghị. Các cơ quan truyền thông nhận thấy cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã phê phán trực tiếp các hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, với mức độ được cho là "không nể mặt".

Deutsche Welle cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong bài phát biểu tại hội nghị đã chỉ rõ rằng một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Lầu Năm Góc nói trong một tuyên bố đưa ra sau hội nghị rằng ông Austin đã trình bày về tầm nhìn của chính quyền Joe Biden đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác trong việc ứng phó các thách thức về an ninh. Tuyên bố nói, ông Lloyd Austin cũng nêu bật các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Lloyd Austin phát biểu tại Hội nghị ADMM-Plus đã kịch liệt chỉ trích đích danh Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (Ảnh: chinatimes).

Ông Lloyd Austin phát biểu tại Hội nghị ADMM-Plus đã kịch liệt chỉ trích đích danh Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (Ảnh: chinatimes).

Trong số những người tham gia Hội nghị tại thời điểm đó có Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe). Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc cùng xuất hiện tại một cuộc họp công khai kể từ khi chính quyền Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi không chỉ đề cập đến các tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, mà còn trực tiếp chỉ ra tầm quan trọng của an ninh ở eo biển Đài Loan. Ông Nobuo Kishi kêu gọi cần thực hiện "pháp quyền" triệt để ở các vùng biển không thể thiếu cho sự phồn vinh thịnh vượng, bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông nói, các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng cường quyền vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi các bên đều nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp căn cứ luật pháp quốc tế, trong đó có “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói thêm, hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không chỉ quan trọng đối với khu vực mà còn quan trọng đối với cả cộng đồng quốc tế. Ông hy vọng các vấn đề xung quanh eo biển Đài Loan có thể được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa hai bên (Trung Quốc và Đài Loan).

Ông Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại ADMM-Plus, nói "vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" (Ảnh: BQPTQ).

Ông Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại ADMM-Plus, nói "vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" (Ảnh: BQPTQ).

Một số cơ quan truyền thông Đài Loan đã quan sát ảnh chụp màn hình của khi đó và nhận xét: ông Nobuo Kishi mỉm cười sau khi nói, trong khi Ngụy Phượng Hòa thì “nét mặt vô cảm”.

Theo Deutsche Welle, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp: Bộ trưởng Quốc phòng một số nước tham gia Hội nghị mở rộng bày tỏ quan ngại về việc áp dụng Luật Hải Cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và tầm quan trọng của việc sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng chỉ rõ Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc rất mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng luật này quyết không được sử dụng để làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác.

Luật Hải Cảnh Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2 năm nay cho phép lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc được sử dụng vũ khí sát thương đối với tàu nước ngoài trong các vùng biển mà nước này tuyên bố có chủ quyền. Luật này đã làm dấy lên sự lo lắng và chỉ trích mạnh mẽ từ chính phủ Nhật Bản và Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi phát biểu, chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan (Ảnh: Kyodo)

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi phát biểu, chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan (Ảnh: Kyodo)

Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong bài phát biểu của mình, ông Ngụy Phượng Hòa nói rằng “Trung Quốc coi trọng hợp tác an ninh với các nước khác, hiểu đầy đủ và tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của tất cả các nước, nhưng lợi ích quốc gia của Trung Quốc cũng phải được được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ”; "Trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông, Trung Quốc kiên trì không dao động trong quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình".

Ông Ngụy Phượng Hòa cũng cho rằng các cơ hội và thách thức cùng tồn tại trong tương lai phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả các bên cần tuân thủ một khái niệm an ninh toàn cầu chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời cùng xây dựng và vận dụng hiệu quả cơ chế Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

Trung Quốc đưa nhiều tàu dân quân biển neo đậu trong vùng biển tranh chấp gây nên tình hình căng thẳng trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Trung Quốc đưa nhiều tàu dân quân biển neo đậu trong vùng biển tranh chấp gây nên tình hình căng thẳng trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Đưa tin về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 8, trang tin Hồng Kông Đông Phương nói, Lầu Năm Góc đã ra một tuyên bố cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp gỡ các Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại của ASEAN trong cuộc họp, nêu rõ quan điểm của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh. Tuyên bố cũng nêu bật một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, đồng thời thúc giục quân đội Myanmar thay đổi hướng đi.

Sau hội nghị, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã đề cập trong một bản tuyên bố rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nobuo Kishi đã nhấn mạnh tại hội nghị rằng Luật Hải Cảnh của Trung Quốc không được sử dụng để làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các nước khác. Phía Bộ Quốc phòng Philippines thì cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng một số nước tham gia đã bày tỏ quan ngại về việc áp dụng Luật Hải Cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Các tàu công vụ Trung Quốc và Nhật Bản va chạm nhu ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Đa Chiều).

Các tàu công vụ Trung Quốc và Nhật Bản va chạm nhu ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Đa Chiều).

Tại Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết ông Ngụy Phượng Hòa đã tuyên bố tại hội nghị rằng “Trung Quốc kiên trì là người xây dựng hòa bình thế giới và bảo vệ trật tự quốc tế, nhưng lợi ích quốc gia của mình phải được tôn trọng và duy trì đầy đủ. Trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông và Biển Đông, Trung Quốc kiên quyết không dao động quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình”.

Trong khi đó, đưa tin về hội nghị này, trang tin Đa Chiều (Dwnews) nhận xét: Tại Hội nghị mở rộng Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã chỉ trích đích danh Trung Quốc về các hành động ở Biển Đông, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Đa Chiều dẫn truyền thông Nhật Bản Nihon Keizai Shimbun ngày 17/6 đưa tin: Hội nghị mở rộng Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ tám đã được tổ chức vào ngày 15/6 và ngày 16/6 dưới hình thức hội nghị truyền hình. Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung nhắc lại, cần tiếp tục thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982” (UNCLOS), xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trung Quốc tổ chức diễu binh trên biển lớn chưa từng thấy hồi tháng 4/2018 (Ảnh: BQPTQ).

Trung Quốc tổ chức diễu binh trên biển lớn chưa từng thấy hồi tháng 4/2018 (Ảnh: BQPTQ).

Theo Đa Chiều, một số cơ quan truyền thông nhận thấy các Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản đã trực tiếp chỉ trích hành vi của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khá là "không nể mặt".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ rõ tại cuộc họp rằng một số hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Lầu Năm Góc nói ông Austin đã làm rõ tầm nhìn của chính quyền Joe Biden đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh, đồng thời nêu bật các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi không chỉ đề cập đến tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, mà còn trực tiếp chỉ ra tầm quan trọng của an ninh ở eo biển Đài Loan. Ông nhấn mạnh về các lĩnh vực: đảm bảo quyền tự do hàng hải và bay ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và sự an toàn của các tuyến đường biển; tuân thủ luật pháp quốc tế và phản đối Luật Hải Cảnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan đối với cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ: "Bộ trưởng Kishi Nobuo chỉ ra rằng các nước cùng chí hướng hiện đang ủng hộ sự thống nhất và vị trí trung tâm của ASEAN, đồng thời đang tăng cường nỗ lực và sự tham gia của họ vì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hơn bao giờ hết".

Mạng Tin tức Fuji của Nhật Bản mô tả phát biểu liên quan đến Trung Quốc của ông Nobuo Kishi ngày 17/6 là "một bài phát biểu quyết liệt chỉ thẳng mặt Trung Quốc".

Đa Chiều cũng dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong bài phát biểu của mình, ông Ngụy Phượng Hòa nói: “Trung Quốc coi trọng hợp tác an ninh với các nước khác, hiểu đầy đủ và tôn trọng các mối quan tâm chính đáng của tất cả các nước, lợi ích quốc gia của Trung Quốc cũng phải được được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ. Về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình".

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi thiết lập một "trật tự cởi mở và bao dung" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông (Ảnh: RFI).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi thiết lập một "trật tự cởi mở và bao dung" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông (Ảnh: RFI).

Đài Pháp RFI đưa tin, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi thiết lập một "trật tự cởi mở và bao dung" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Ông nhắc lại sự ủng hộ của New Delhi đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cung cấp cho tất cả mọi người quyền tự do hàng hải, hàng không và tự do thương mại không bị cản trở trong các vùng biển quốc tế.

Theo Hindustan Times, ông Singh nhấn mạnh tại hội nghị rằng các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại và tuân thủ các quy tắc quốc tế. Ông nói, “Ấn Độ đã tăng cường hợp tác và tham gia vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên tầm nhìn chung và các giá trị thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Trên tiền đề vị trí trung tâm của ASEAN, Ấn Độ ủng hộ việc sử dụng cơ chế lãnh đạo của ASEAN làm nền tảng quan trọng để thực hiện tầm nhìn của chúng tôi về Ấn Độ - Thái Bình Dương".