Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) thuộc sở hữu nhà nước, nhà thầu chính cho chương trình không gian quốc gia đang lên kế hoạch xây dựng 2 trạm mặt đất mới tại Trạm Trung Sơn ở Đông Nam Cực, hỗ trợ mạng lưới vệ tinh giám sát đại dương, đang phát triển mạnh mẽ ở quốc gia này.
Hãng truyền thông nhà nước Global Times tuyên bố, các trạm mặt đất trong cơ sở nghiên cứu khoa học ở Nam Cực sẽ hỗ trợ 8 vệ tinh quan sát biển Trung Quốc, do thám hoạt động khai thác tài nguyên biển, giám sát hệ sinh thái các vùng ven biển và thảm họa biển, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển Trung Quốc.
Các trạm giám sát không gian từ mặt đất hỗ trợ theo dõi hàng chục nghìn vệ tinh và những vật thể khác trên quỹ đạo Trái đất, dự đoán vị trí của vệ tinh cũng như các vật thể không gian vào bất kỳ thời điểm nào, một khả năng được gọi là nhận thức tình huống không gian (SSA).
“Việc Trung Quốc bổ sung các trạm mặt đất vệ tinh mới ở Nam Cực sẽ giúp quốc gia này nhận dữ liệu từ các vệ tinh quay quanh quỹ đạo cực hoặc gần quỹ đạo nhanh hơn nhiều, vì các vệ tinh này có thể gửi dữ liệu về Trái đất trong nhiều lần đi qua hoặc gần các cực mỗi ngày, thay vì số lượng hạn chế ở những khu vực khác của Trái Đất” Andrew Jones, phóng viên có trụ sở tại Helsinki, thường xuyên đưa tin rộng rãi về chương trình không gian của Trung Quốc, trong cuộc trò chuyện với trang The China Project nhận xét.
“Đây không phải là một sự phát triển đặc biệt, trạm Trung Sơn dường như đã có một số khả năng của trạm vệ tinh mặt đất và các quốc gia khác bao gồm cả Mỹ và các công ty thương mại như KSAT của Na Uy cũng có trạm vệ tinh mặt đất ở Nam Cực,” ông nói thêm.
Giấc mơ không gian lớn của Trung Quốc
Trung Quốc có những mục tiêu đầy tham vọng để trở thành quốc gia hàng đầu trong khai thác sử dụng không gian vũ trụ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi đưa Trung Quốc thành “cường quốc vũ trụ” hàng đầu và sách trắng của chính phủ Trung Quốc năm 2022 nêu rõ, “ngành công nghiệp vũ trụ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược quốc gia tổng thể”.
Số lần phóng và số lượng vệ tinh của Trung Quốc tăng vọt kể từ năm 2015. CASC có kế hoạch phóng hơn 60 sứ mệnh không gian với hơn 200 tàu vũ trụ trong năm 2023, nhiều hơn 6 lần so với số lượng sứ mệnh đã thực hiện vào năm 2022. Bao gồm cả các vụ phóng vệ tinh thương mại, Trung Quốc đã thực hiện 64 vụ phóng vào năm ngoái, chỉ đứng sau Mỹ.
Trong năm vừa qua, các công ty Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào BeiDou, hệ thống định vị vệ tinh của Trung Quốc trong cuộc đua giành vị trí thống trị toàn cầu. Tháng 11/2022, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố một báo cáo về BeiDou đối thủ cạnh tranh của GPS, gọi hệ thống định vị vệ tinh này là “một thành phần của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia của đất nước”. Cũng trong tháng này, Giám đốc Văn phòng Định vị Vệ tinh Trung Quốc cho biết, hệ thống định vị toàn cầu mới, tạm thời được đặt tên là BeiDou 4, sẽ được mở rộng để thực hiện thông tin liên lạc dưới nước và trong không gian sâu.
Một mạng lưới hỗ trợ mặt đất và không gian đang phát triển
Trung Quốc có một loạt các trạm mặt đất trên khắp thế giới thuộc Mạng không gian sâu Trung Quốc (CDSN), một mạng rộng khắp các ăng-ten lớn và phương tiện liên lạc được sử dụng cho những sứ mệnh không gian, liên lạc với các vệ tinh. Mỹ, Nga, Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang vận hành những mạng không gian sâu tương tự.
Mạng truyền thông liên lạc không gian sâu của Trung Quốc do Tổng cục Kiểm soát Theo dõi và Phóng Vệ tinh Trung Quốc (CLTC) điều hành, đây là một đơn vị thành viên của Cục Hệ thống Không gian Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Quân đội Trung Quốc (PLASSF).
Phóng viên Jones nói với The China Project: “Nhịp độ phóng và số lượng vệ tinh được đưa vào không gian mỗi năm của Trung Quốc tăng lên rất nhiều trong thập kỷ qua, nhu cầu về khả năng thu thập dữ liệu từ các vệ tinh này cũng tăng lên. Mặc dù Trung Quốc đã thiết lập một số trạm mặt đất ở Nam Mỹ và Châu Phi và hiện cũng có những công ty vũ trụ thương mại, đang cung cấp hỗ trợ cho trạm mặt đất, nhưng quốc gia này cũng phần nào bị hạn chế về mặt địa chính trị ở nơi có thể thiết lập các trạm vệ tinh mặt đất.”
Tháng 1, Trung Quốc phóng 14 vệ tinh mới vào không gian với khả năng viễn thám.
Phản ứng của thế giới với chương trình không gian Trung Quốc
Sách trắng năm 2022 tuyên bố, hệ thống vệ tinh và các trạm mặt đất của Trung Quốc đặc biệt dành cho “mục đích hòa bình”, nhưng ở các quốc gia phương Tây có những lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng mạng lưới vệ tinh rộng lớn cho mục đích gián điệp hoặc quân sự, do chương trình không gian có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, dù một số chuyên gia cho rằng, những lo ngại này đã bị thổi phồng quá mức.
Andrew Jones nói với The China Project: “Mặc dù không có khía cạnh quân sự rõ ràng nào trong sự phát triển này, nhưng dữ liệu được thu thập từ các vệ tinh viễn thám, thời tiết và nhiều vệ tinh khác hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và có thể được truy cập với tốc độ cao hơn”.
Phần lớn công nghệ được sử dụng tại các trạm mặt đất cũng có thể được sử dụng để thực hiện các mục tiêu nước ngoài, một khả năng không chỉ có ở Trung Quốc. Nhưng sự xuất hiện các trạm mặt đất ở nước ngoài của Trung Quốc thường làm dấy lên lo ngại về mục đích sử dụng của quốc gia này.
Trạm mặt đất Espacio Lejano của Trung Quốc, đặt tại Patagonia, đã bị đình hoãn trong tranh cãi do thiếu sự giám sát từ chính phủ Argentina. Hợp đồng được ký kết giữa Bắc Kinh và Buenos Aires được cho là chỉ rõ rằng Argentina “không can thiệp hoặc làm gián đoạn” công việc của trạm làm dấy lên tin đồn về hoạt động gián điệp và những hoạt động quân sự khác của Trung Quốc.
Năm 2020, Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển (SSC) cắt hợp đồng hỗ trợ vận hành các vệ tinh Trung Quốc từ các trạm mặt đất của SSC và tuyên bố sẽ không tiến hành các hoạt động kinh doanh mới với quốc gia này sau hai năm phục vụ.
Trung Quốc cũng đã gửi module cuối cùng trong ba module, hoàn thành trạm vũ trụ Tiangong vào tháng 10 và đang nghiên cứu kế hoạch mở rộng trạm không gian, tiền đồn không gian thứ 2 của nhân loại trên quỹ đạo trái đất sau Trạm Vũ trụ Quốc tế do NASA lãnh đạo.
NASA đang xem xét cho ISS nghỉ hưu vào năm 2031, được hỗ trợ từ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Châu Âu và Canada, Tiangong có thể trở thành trạm vũ trụ hoạt động duy nhất trên quỹ đạo quanh Trái đất.
Theo E&T