Công ty Mỹ đầu tư hàng tỉ USD vào AI Trung Quốc, bất chấp những hạn chế của Washington

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà đầu tư Mỹ đổ hàng tỉ USD vào các doanh nghiệp công nghệ AI Trung Quốc, tài trợ 40 tỷ USD trong 6 năm liên tiếp, bất chấp những lệnh trừng phạt của Washington đối với các công ty này.

Ngày 1/2, một báo cáo nghiên cứu thống kê cho biết, các nhà đầu tư Mỹ bao gồm những nhánh đầu tư của Intel Corp và Qualcomm Inc chiếm gần 1/5 tổng số các khoản đầu tư vào những công ty Trí tuệ Nhân tạo (AI) Trung Quốc từ năm 2015 đến 2021,

Tài liệu do Trung tâm An ninh Công nghệ và Công nghệ mới nổi (CSET), nhóm nghiên cứu chính sách công nghệ tại Đại học Georgetown, Mỹ phát hành trong bối cảnh những khoản đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào AI, Lượng tử và linh kiện bán dẫn đang ngày càng bị soi xét kỹ lưỡng. Chính quyền tổng thống Joe Biden hiện đang chuẩn bị công bố những quy định hạn chế mới đối với các hoạt động tài trợ của những công ty Mỹ cho các công ty công nghệ Trung Quốc.

Theo báo cáo của CSET, 167 nhà đầu tư Mỹ đã tham gia vào 401 giao dịch, tương đương khoảng 17% khoản đầu tư vào những công ty AI Trung Quốc trong giai đoạn này.

Những giao dịch này đại diện cho tổng số tiền đầu tư 40,2 tỉ USD, tương đương 37% tổng số tiền huy động được của các công ty AI Trung Quốc trong thời gian 6 năm. Không rõ trong nguồn tin từ nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase, bao nhiêu phần trăm tài trợ đến từ các công ty Mỹ.

Theo dữ liệu được công bố, hai công ty Qualcomm Ventures và Intel Capital đã tham gia lần lượt 13 và 11 khoản đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc với tổng số tiền vượt xa GGV Capital, công ty dẫn đầu những công ty Mỹ có tổng số 43 khoản đầu tư vào lĩnh vực này.

Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ công bố một sắc lệnh hành pháp trong năm 2023, hạn chế một số khoản đầu tư từ Mỹ vào các ngành công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc. Quyết định này xuất phát từ việc nhóm chính khách diều hâu ở Washington cáo buộc các nhà đầu tư Mỹ đã chuyển vốn và bí quyết có giá trị cho những công ty công nghệ Trung Quốc, được cho là đã nâng cao năng lực quân sự của Bắc Kinh.

Nhà sản xuất chip AI bị chính phủ Mỹ yêu cầu ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc. Video SCMP.

Theo bản báo cáo, nhà đầu tư Mỹ GSR Ventures đã đầu tư cùng với iFlyTek Co Ltd của Trung Quốc vào một công ty AI của Trung Quốc sau khi công ty nhận dạng giọng nói này bị đưa vào danh sách đen thương mại. Nhóm đầu tư của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Wanxiang American Healthcare cũng đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc cùng với công ty SenseTime Trung Quốc trước khi công ty khởi nghiệp về công nghệ nhận dạng khuôn mặt bị đưa bổ sung vào danh sách đen thương mại tương tự.

Cả 2 doanh nghiệp bị bổ sung thêm vào danh sách đen, ngăn chặn khả năng nhận hàng xuất khẩu công nghệ của Mỹ vào năm 2019 với cáo buộc vi phạm nhân quyền, liên quan đến câu chuyện đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Một số khoản đầu tư lớn nhất bao gồm khoản đầu tư riêng của Goldman Sachs vào 1KMXC, một công ty chế tạo robot hỗ trợ AI, khoản đầu tư của 3 công ty đầu tư mạo hiểm (VC) Mỹ vào Geek+, một công ty phương tiện robot di động tự hành.

Theo bản báo cáo của CSET, chỉ có một công ty AI của Trung Quốc, nhận tài trợ từ các nhà đầu tư Mỹ tham gia phát triển những ứng dụng AI cho mục đích quân sự hoặc an ninh công cộng.

Theo South China Morning Post