Trung Quốc tung 7 chiêu đối phó Donald Trump trong “hiệp 1”

VietTimes -- Những "chiêu" được Trung Quốc sử dụng bao gồm kết thân, tặng lễ vật, giữ hòa khí, đạt đồng thuận rồi mới điện đàm, trao đổi cấp cao kịp thời, phối hợp theo khả năng, biến điểm yếu của đối thủ thành ưu thế của mình.
Ivanka Trump, con gái Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một hoạt động chúc mừng năm mới được Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức. Ảnh: Cri
Ivanka Trump, con gái Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một hoạt động chúc mừng năm mới được Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức. Ảnh: Cri

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25 tháng 2 dẫn hãng tin BBC Anh ngày 24 tháng 2 cho rằng khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã thể hiện nhiều thái độ thách thức đối với Trung Quốc, gây quan ngại lớn cho Trung Quốc.

Nhưng quan hệ với Mỹ được vận hành bình thường là lợi ích chiến lược cốt lõi của Trung Quốc - điểm này là điều thấy được một cách rõ ràng. Trung Quốc đã có những sách lược ứng phó hiệu quả với Donald Trump.

Ít nhất là hiện nay ông Donald Trump hầu như đã chấm dứt lên án và đe dọa Trung Quốc. Các nhân vật quan trọng trong chính phủ của ông đến nay cũng đã tỏ thiện chí với Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc rốt cuộc đã sử dụng những sách lược hiệu quả nào?

Kết thân

Bắc Kinh đã nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng của "kết thân". Trước khi bản thân ông Donald Trump hoặc quan chức cấp cao chính phủ của ông hội đàm với phía Trung Quốc và cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao về việc ông Donald Trump chưa chúc mừng ngày tết của Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải đã rất thành thạo trong việc tiếp xúc với cô Ivanka, con gái của ông Donald Trump.

Cô Ivanka Trump đã xuất hiện trong một hoạt động ngày tết của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ. Sự xuất hiện này đã có hiệu quả rất tốt để thu hẹp khoảng cách về mặt chính quyền.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: South China Morning Post
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: South China Morning Post

Tặng lễ vật

Nhiều vụ việc về thương hiệu của ông Donald Trump đã bị dây dưa kéo dài ở tòa án Trung Quốc. Trong khi đó, 10 năm trước, ông Donald Trump đã muốn đăng ký một thương hiệu dịch vụ xây dựng ở Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc tiến hành đẩy nhanh đăng ký thương hiệu này, có thể gọi là "biết thời biết thế".

Giữ hòa khí

Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump luôn phê phán mạnh mẽ và đe dọa Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc là "kẻ cắp" về thương mại; sau khi trúng cử cũng từng muốn thách thức nguyên tắc "một Trung Quốc".

Đối mặt với những phát biểu đầy tính răn đe này, Bắc Kinh luôn luôn thể hiện thái độ tự kiềm chế rất lớn, tránh mất thêm hòa khí với ông Donald Trump.

Đạt đồng thuận trước, điện đàm sau

Khác với nhà lãnh đạo các nước khác, nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng không vội vã cầm lấy điện thoại để nói chuyện. Sau khi thấy cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Mexico và Australia diễn ra trong không khí không vui vẻ gì, Bắc Kinh quyết tâm tránh xuất hiện một tình trạng như vậy.

Trung Quốc chờ cho đến khi những nhân vật quan trọng trong chính quyền Donald Trump như Ngoại trưởng Rex Tillerson lên nhậm chức, cuối cùng nhận được "kịch bản gốc" muốn có.

Từ đó, Bắc Kinh đã nhận được cam kết mới từ Mỹ đối với chính sách "một Trung Quốc" và thực hiện được một cuộc điện đàm nghiêm túc giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ông Donald Trump.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Đức. Ảnh: Xania News
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Đức. Ảnh: Xania News

Trao đổi cấp cao kịp thời

Sau khi điện đàm, đường dây điện thoại giữa Bắc Kinh và Washington liên tục bận rộn. Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và quan chức phía Trung Quốc tiến hành điện đàm bàn về chính sách kinh tế.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, đồng thời đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Phối hợp theo khả năng

Trung Quốc biết rõ “cùng thắng” thực ra là sự nhượng bộ và phối hợp theo khả năng. Trung Quốc chấm dứt nhập khẩu than đá từ Triều Tiên, phù hợp với ý nguyện của Mỹ trong vấn đề này.

Đương nhiên, khi nói đến lý do chấm dứt nhập khẩu than từ Triều Tiên, Chính phủ Trung Quốc công khai khẳng định rằng quyết định này chỉ là đang thực hiện nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc.

Biến điểm yếu của đối thủ thành ưu thế của mình

Trên vũ đài thế giới, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tạo được tư thế hoàn toàn khác với ông Donald Trump – đó là Trung Quốc ra sức thúc đẩy toàn cầu hóa và thương mại tự do.

Trên vũ đài khu vực, Trung Quốc cũng đang tận dụng cơ hội Mỹ rút khỏi Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để đi đầu làm lãnh đạo của thương mại đa phương.

Bắc Kinh đã thực hiện có hiệu quả các sách lược nói trên và đến nay có thể hài lòng về điều này. Như vậy, Trung Quốc đã "thắng" trong "hiệp đấu" đầu tiên, có điều trong tương lai còn có vô số các "hiệp đấu" khác.

Trung Quốc ra sức thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Ảnh: Sina
Trung Quốc ra sức thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Ảnh: Sina