Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Ngoai trưởng Mỹ John Kerry ngày 6/7 cảnh báo Washington về những động thái “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc, trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết về việc Philippines kiện “đường lưỡi bò”, Tân Hoa Xã cho biết.
Vương Nghị lặp lại rằng Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế và gọi vụ kiện của Philippines sẽ kết thúc như một “trò hề”.
Tòa án dự kiến sẽ công bố phán quyết vào ngày 12/7 tới làm dấy lên quan ngại về đối đầu tại khu vực. Giới chức Mỹ cho biết Mỹ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc nhất mực khăng khăng bác bỏ phán quyết của tòa, có thể bao gồm tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải sát các đảo, đá do Trung Quốc quản lý trên một trong những tuyến hải lộ quan trọng nhất thế giới.
Trong cuộc điện đàm, Vương Nghị yêu cầu Mỹ tôn trọng cam kết không đứng về phe nào trong vấn đề liên quan tranh chấp chủ quyền, cẩn trọng với những hành động và lời nói của mình và không tiến hành bất cứ hành động nào vi phạm cái gọi là “chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, Tân Hoa Xã tường thuật.
Vương Nghị còn nói bất chấp phán quyết tòa án quốc tế, Trung Quốc sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển hợp pháp của mình cũng như kiên quyết bảo về hòa bình và ổn định”. Vương nói thêm rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ nhìn chung đi đúng hướng và rằng hai bên nên tập trung sâu hơn vào hợp tác, trong khi quản lý đúng đắn những bất đồng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Gabrielle Price xác nhận có điện đàm và hai bên thảo luận những vấn đề lợi ích chung chứ không đi vào chi tiết trao đổi ngoại giao riêng tư. Trung Quốc tức giận về việc Mỹ tuần tra ở Biển Đông trong những tháng gần đây và ngày 5/7 đã phát động một cuộc tập trận với quy mô “chưa từng có”, huy động lực lượng của cả 3 hạm đội.
Bắc Kinh ngay sau đó đã tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi về xung đột Biển Đông sau khi tờ Hoàn Cầu hô hào Trung Quốc nên chuẩn bị cho đối đầu quân sự.
Giới chức Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sẽ đáp trả phán quyết của tòa án The Hague bằng cách tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013, cũng như tăng cường xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Trung Quốc luôn khăng khăng từ chối tham gia phiên tòa, nói rằng tranh chấp nên giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các quốc gia liên quan. Trong một bài báo đăng trên tạp chí lý luận Cầu Thị, thứ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cáo buộc tòa án xâm phạm quyền của các bên tranh chấp để chọn con đường riêng đi đến một giải pháp. Tòa án cũng phạm thiếu sót nghiêm trọng trong việc kiểm tra thực tế và áp dụng luật.
“Tòa án đã làm việc với Philipppines để che đậy những hành động chiếm đoạt bất hợp pháp lãnh thổ của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi các quần đảo ở Biển Đông). Việc này không chỉ gia tăng va chạm giữa Trung Quốc và Philippines mà còn tác động nghiệm trọng tới sự ổn định trật tự trên biển”, Lưu Chấn Dân trơ tráo tố ngược Phipippnes.
Nguyên ủy viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc còn ngang ngược gọi phán quyết của tòa án quốc tế là “mớ giấy lộn” và tuyên bố Trung Quốc “không ngán” Mỹ kể cả có điều tới 10 tàu sân bay tới thị uy ở Biển Đông. Đới Bỉnh Quốc như cái máy nhắc lại luận điệu cũ rích rằng Trung Quốc kêu gọi ngừng ngay lập tức vụ kiện.
Những phát biểu của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường làm mất uy tín phán quyết của tòa, khoe khoang rằng đã nhận được sự ủng hộ của 60 quốc gia ủng hộ lập trường về Biển Đông (trên thực tế cơ quan nghiên cứu Mỹ vạch rõ chỉ có 8 nước mang ơn Trung Quốc công khai lên tiếng, còn lại chỉ là đòn gió của Bắc Kinh).
Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch viện quốc gia nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cũng phụ họa, phán rằng Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế không có quyền phân xử về tranh chấp lãnh thổ.
Còn Jia Qingguo, phó chủ nhiệm khoa nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Bắc Kinh “té nước theo mưa” nói phát biểu của Đới Bỉnh Quốc phù hợp với quan điểm của Trung Quốc rằng cần bác bỏ phán quyết trọng tài quốc tế. Đới Bỉnh Quốc đã sử dụng cơ hội thăm Mỹ để chuyển tải thông điệp của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ không để bị đe dọa bởi hành động quân sự, Jia nhận xét.
Căng thẳng dâng cao trước ngày 12/7, là thời điểm Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông. Theo các chuyên gia, Trung Quốc liên tục gia tăng các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước vốn không có quyền lợi liên quan trực tiếp đến Biển Đông, do sợ rằng phán quyết của tòa có lợi cho Philippines, sẽ khiến Bắc Kinh bị cô lập trong hồ sơ này.
Phát biểu tại Việt Nam cuối tháng 5/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Washington cam kết bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông, và nhấn mạnh không chấp nhận để cho nước lớn bắt nạt nước nhỏ, cho dù không trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc.
Việc hải quân Mỹ liên tục tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của một số thực thể địa lý, do Trung Quốc kiểm soát trái phép tại Biển Đông trong những tháng gần đây, khiến Bắc Kinh giận dữ (mới đây nhất, Mỹ lại điều 3 khu trục hạm và 1 tàu đổ bộ tuần tra sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc). Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể có các hành động đơn phương tại Biển Đông, chẳng hạn lập vùng nhận dạng hàng không như đã từng làm vào năm 2013 tại biển Hoa Đông.
Ngày 7/7, trong cuộc họp báo với ngoại trưởng Trung Quốc tại Bắc Kinh, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, các tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết bằng con đường hòa bình.