Trang tin Sina (Trung Quốc) ngày 30/5 dẫn hãng tin TASS Nga lần đầu tiên xác nhận Nga đã bàn giao lô hệ thống phòng không tầm xa S-400 đầu tiên cho Trung Quốc, số lượng là “vài đại đội”. Đây là lần đầu tiên phía Nga tiết lộ bàn giao hệ thống S-400 cho Trung Quốc.
Từ lâu, do mối đe dọa từ NATO, Nga đã nghiên cứu chế tạo được nhiều hệ thống tên lửa phòng không tầm xa, bao gồm S-300 và S-400. Trong khi đó, S-500 mới nhất của Nga được thiết kế chủ yếu để phòng thủ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của đối phương.
Hiện nay, hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã phục vụ rộng rãi trong quân đội Trung Quốc, còn hệ thống S-400 đã bán cho Trung Quốc.
Độ cao bắn thẳng đứng tối đa của S-500 là 185 - 200 km, có thể bắn rơi vệ tinh ở quỹ đạo thấp và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa áp sát. Tầm bắn tối đa của S-500 là 600 km, tăng 200 km so với S-400.
S-500 có thể đồng thời xử lý lên tới 10 quả tên lửa của đối phương, tốc độ phản ứng 3 - 4 giây; còn tốc độ phản ứng của S-400 chỉ 6 – 9 giây. S-500 tương tự hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Tuy nhiên, Nga còn chưa chính thức công bố thông số tính năng thực tế của hệ thống phòng không S-500. Mỹ đã mất mười mấy năm để nghiên cứu chế tạo ra THAAD, vì vậy Nga cũng cần có thời gian để hoàn thành cuối cùng.
Mặc dù vậy, những số liệu dưới đây đã được xác nhận: Trước hết, thể tích của S-500 khá nhỏ, trang bị hệ thống đẩy tự động, có thể dễ dàng tránh né các cuộc tấn công của đối phương.
Ngoài ra, Nga cho biết, hệ thống S-500 khó có thể bị dò tìm, nhưng mục đích thiết kế của nó không phải để chống tàng hình. Tuy nhiên, tầm bắn xa của S-500 làm cho nó trở thành vũ khí tuyệt vời để tấn công các mục tiêu lớn nhất và mục tiêu tàng hình của đối phương. Điều này buộc quân đội đối phương phải triển khai hành động ở ngoài phạm vi dò tìm radar và phạm vi tầm bắn của S-500.
Được biết, hệ thống tên lửa S-500 sẽ được triển khai trước ở Thủ đô Moscow, sau đó triển khai ở miền Trung nước Nga. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ra sức phản đối Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở lân cận biên giới Nga, mà S-500 cũng làm cho tình hình này trở nên phức tạp hơn.
Quân đội Nga cho biết, S-500 vốn dùng để thay thế cho S-300. Trong khi đó, 10 hệ thống S-500 đầu tiên đã hoàn thành. 5 hệ thống trong số đó sẽ bắt đầu sử dụng vào năm 2020.
S-500 sở dĩ mạnh như vậy là do nó có thể phóng tên lửa N776 mới. S-500 sẽ dùng để phòng thủ cho nước Nga với tư cách là hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Tầm bắn của S-500 giúp cho nó được coi trọng trong thực hiện nhiệm vụ chống can thiệp/chống tiếp cận khu vực.