Theo các quan chức và chuyên gia tại Trung Quốc, mặc dù Hoa Kỳ đang dẫn đầu về đổi mới công nghệ và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, song Trung Quốc vẫn có thể cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ về vị thế trên thị trường AI nhờ nhu cầu lớn, nguồn dữ liệu dồi dào và cơ sở công nghiệp đang phát triển.
Việc tích hợp AI vào ngành công nghiệp rộng lớn mang lại cho Trung Quốc lợi thế độc nhất trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh.
“Hoa Kỳ rõ ràng đang đi trước Trung Quốc về mặt hoạt động công nghệ, nhưng chúng tôi đi trước họ về mặt thân thiện với thị trường”, Peng Wensheng, nhà kinh tế tại Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), cho biết trong cuộc thảo luận về lĩnh vực công nghệ mới nổi tại Hội thảo đầu tư và thương mại quốc tế Trung Quốc lần thứ 24.
Đánh giá này được đưa ra khi Trung Quốc ngày càng thể hiện tham vọng mạnh mẽ đối với AI, tạo ra nền kinh tế phát triển với năng suất cao và tiết kiệm chi phí.
Tham vọng AI của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ
Với sự leo thang của cuộc đua công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, năm 2021, Trung Quốc đã chỉ định AI là một trong bảy "công nghệ tiên phong" cần phát triển và vào tháng 7 quốc gia này đã tổ chức hội nghị AI lớn nhất tại Thượng Hải, trưng bày hơn 1.500 sản phẩm và hệ thống liên quan đến AI.
Được biết, Trung Quốc sở hữu khoảng 33% các công ty AI kỳ lân trên thế giới và khoảng 36% các mô hình AI lớn, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Ling Ji cho biết dân số đông đảo và nguồn dữ liệu khổng lồ của Trung Quốc tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển AI của quốc gia này.
Ông Ling cho biết tại diễn đàn do Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc và CICC tổ chức hôm 8/9 rằng: "Về mặt ứng dụng công nghệ, Trung Quốc dẫn đầu trong các ngành như sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bán lẻ và quản trị xã hội, nơi mà việc tích hợp AI đang phát triển nhanh chóng".
Trung Quốc cần đầu tư nhiều hơn để bắt kịp Hoa Kỳ
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Peng Wensheng, Trung Quốc cần nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của lĩnh vực này vì quốc gia này đã tụt hậu so với Hoa Kỳ kể từ năm 2018 .
Theo CICC Research, năm 2017, Trung Quốc đứng đầu thế giới về cả số lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào AI, ở mức 25,6 tỉ USD và tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm trong tổng số vốn đầu tư, ở mức khoảng 29%.
Nhưng sự nhiệt tình của các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc dành cho Al đã giảm nhanh sau đó, khi Hoa Kỳ vượt qua quốc gia này vào năm 2018 và ngày càng nới rộng khoảng cách kể từ đó.
Về mặt nhân tài, mặc dù cả hai nước đều có nguồn nhân lực chuyên gia AI đáng kể, Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, bất chấp sự tiến bộ của Trung Quốc, ông Peng cho biết.
Ông cho biết, trong số 20% người có bằng tiến sĩ tốt nghiệp từ một trường đại học Hoa Kỳ và chọn ở lại làm việc tại quốc gia này vào năm 2022, có 38% đến từ Trung Quốc, theo một nghiên cứu từ CICC Research, trích dẫn số liệu từ tổ chức nghiên cứu MacroPolo có trụ sở tại Chicago.
Richard Zhang, chủ tịch chi nhánh Apax Partners tại Trung Quốc, đồng ý rằng Trung Quốc vẫn thua kém Hoa Kỳ trong các mô hình AI nói chung, nhưng cho biết quốc gia này có tiềm năng lớn trong việc ứng dụng công nghệ này.
“Trung Quốc có lượng dữ liệu khổng lồ và dân số đông cùng hàng loạt ý tưởng kinh doanh phong phú… nhiều khái niệm mới có thể ra đời ở Trung Quốc, chẳng hạn như AI kết hợp với giáo dục, AI kết hợp với tài chính và thuế, AI kết hợp với năng lượng tái tạo và AI kết hợp với chăm sóc sức khỏe”, ông cho biết.
Để tận dụng sức mạnh này, ông kêu gọi đầu tư nhiều tiền hơn vào các dự án liên quan đến ứng dụng thay vì các mô hình ngôn ngữ lớn, hiện đang nhận tới 80% giá trị của các khoản đầu tư vào AI ở Trung Quốc, so với 40% ở Hoa Kỳ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu