Trung – Nhật đấu khẩu gay gắt về hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc quan hệ Trung-Nhật đang căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức đáp trả...
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện trở thành một điểm nóng trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản (Ảnh: Đa Chiều).
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện trở thành một điểm nóng trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Đa Chiều, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tối 22/4 khi phát biểu tại cuộc họp của Đảng Dân chủ Tự do về các hoạt động của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã nói: "Trung Quốc đang sử dụng cách lặng lẽ xâm lược từng bước một, cuối cùng sẽ dẫn đến thay đổi tình hình toàn cục. Điều này quyết không được phép" và cho biết "Nếu Đài Loan bị Trung Quốc nhuộm đỏ, tình hình sẽ xảy ra thay đổi lớn".

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ điều này, chỉ trích ông Nobuo Kishi “ăn nói lung tung và cực kỳ vô trách nhiệm”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (Ảnh: Kyodo).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (Ảnh: Kyodo).

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều ngày 23/4, ông Triệu Lập Kiên khi đề cập đến phát biểu trên của ông Nobuo Kishi đã nói: “Với những người nắm quyền đánh lừa dư luận như vậy, làm sao dân chúng Nhật có thể nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý và làm thế nào họ có thể xây dựng lòng tin đối với quan hệ Trung-Nhật được?”. Tiếp theo, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh ba vấn đề.

Trước hết, Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc luôn tuân theo con đường phát triển hòa bình, kiên quyết theo đuổi chính sách quốc phòng phòng ngự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại lễ khai mạc cuộc họp thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 đã tái nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là người xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và là người bảo vệ trật tự quốc tế. Cho dù phát triển đến mức nào, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng, tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng hoặc tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang”; “Phía Nhật Bản nên lắng nghe cho rõ và ngừng nói năng tùy tiện, gây hiểu lầm cho công chúng về sự phát triển của Trung Quốc”.

Tàu công vụ Nhật Bản và Trung Quốc đụng độ nhau trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 6/2013 (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu công vụ Nhật Bản và Trung Quốc đụng độ nhau trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 6/2013 (Ảnh: Đa Chiều).

Thứ hai, ông nhấn mạnh “quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết của nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc; Trung Quốc tuần tra vùng biển của quần đảo Điếu Ngư là thực hiện các quyền vốn có của mình. Vấn đề Đài Loan hoàn toàn là chuyện nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc quyết không cho phép bất kỳ quốc gia nào can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào”. Triệu Lập Kiên chỉ trích: “Một số người ở Nhật Bản đã phát biểu lời lẽ và hành động sai trái về Đài Loan và bộc lộ hết tâm lý đen tối không muốn nhìn thấy và tìm mọi cách để cản trở sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Trung Quốc phải thống nhất, cũng nhất định phải thống nhất. Phía Nhật Bản không nên nghĩ khác về điều này”.

Cuối cùng, Triệu Lập Kiên nói: “Sự xâm lược và bành trướng của Nhật Bản ở châu Á thời cận đại đã mang đến những thảm họa nghiêm trọng cho người dân các nước bị hại, trong đó có Trung Quốc. Cho đến ngày nay, phía Nhật Bản vẫn không muốn đối mặt và phản tỉnh về lịch sử xâm lược, thỉnh thoảng lại diễn lại màn kịch phủ nhận và tô vẽ lịch sử xâm lược”, “Một số ít chính trị gia Nhật Bản phớt lờ những hành động xấu xa của họ và cố ý vu khống Trung Quốc về cái gọi là sự xâm lược. Những ý đồ của họ đáng để thế giới cảnh giác cao độ. Tôi muốn khuyên người Nhật hãy tỉnh ngộ, ngừng ngay lập tức việc bịa đặt và vu khống chống lại Trung Quốc, không nên đi xa hơn trên con đường sai trái”.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 2/2021 (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 2/2021 (Ảnh: Đa Chiều).

Nhật Bản gần đây thường xuyên có những động thái mạnh xung quanh quần đảo Điếu Ngư. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản ngày 21/4 tuyên bố rằng trước việc tàu công vụ Trung Quốc liên tiếp đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, các nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản ngày 20/4 đã đề xuất nghiên cứu để thực hiện cho các nhân viên công vụ thường trú trên quần đảo Senkaku và đã tổ chức cuộc họp bàn đầu tiên tại Quốc hội về vấn đề này.

Trong những năm gần đây, tàu tuần duyên của Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên đối mặt ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây Trung Quốc đã thông qua "Luật Hải cảnh" cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực trên biển. Nhật Bản giải thích động thái này là nhằm vào tàu công vụ Nhật Bản trong vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một diễn biến liên quan, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 24/4, quân đội Mỹ, Nhật và Pháp sẽ tổ chức cuộc tập trận chung ở Kyushu từ ngày 11 đến 17/5 để mô phỏng tác chiến phòng thủ đảo xa. Lực lượng Phòng vệ đất liền (Lục quân) Nhật Bản hôm 23/4 đã công bố chi tiết cuộc tập trận với các hạng mục bao gồm chiến đấu đường phố, bắn súng bộ binh và máy bay vận tải cất, hạ cánh từ hạm tàu.

Tàu Hải quân Mỹ, Pháp và Nhật tập trận gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 12/2020 (Ảnh: Sohu).

Tàu Hải quân Mỹ, Pháp và Nhật tập trận gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 12/2020 (Ảnh: Sohu).

Tổng cộng sẽ có 220 người tham gia cuộc tập trận. Trung đoàn cơ động thủy bộ của Lục quân Nhật Bản, chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng thủ các đảo xa, đóng tại Soura ở tỉnh Nagasaki sẽ cử 100 người, Thủy quân lục chiến Mỹ và Lục quân Pháp mỗi bên cử 60 người tham gia. Từ ngày 11 đến ngày 13/5, lực lượng ba bên sẽ hợp tác vạch ra kế hoạch tác chiến tại căn cứ Soura; từ ngày 14 đến 15/5, sẽ sử dụng máy bay để thả quân và diễn tập chiến đấu đường phố tại bãi tập ở các tỉnh Miyazaki và Kagoshima. Trong đó cuộc tập trận thực chiến vào ngày 15 sẽ được tổ chức qua đêm. Trung đoàn cơ động Lục quân Nhật và Quân đội Pháp sẽ diễn tập bắn súng bộ binh tại bãi tập Kirishima vào ngày hôm sau, ngày cuối cùng sẽ là ngày dự phòng.

Ngoài ra, các máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật sẽ cất cánh từ căn cứ của Lực lượng Phòng vệ trên biển và các tàu của Hải quân Pháp tại vùng biển phía tây Kyushu. Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ cử 4 máy bay vận tải Osprey tham gia cuộc tập trận và tới đóng tại Căn cứ Không quân Kanoya của Lực lượng Phòng vệ trên biển ở tỉnh Kagoshima.

Hải quân Mỹ - Nhật tập trận bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 2/2021 (Ảnh: Kyodo).

Hải quân Mỹ - Nhật tập trận bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 2/2021 (Ảnh: Kyodo).

Nhóm chiến đấu Joan of Arc của Pháp, bao gồm tàu ​​tấn công đổ bộ của hải quân Raiden và tàu khu trục nhỏ Surcuff, sẽ chở các binh sĩ quân đội Pháp đến thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki. Họ sẽ được tiêm chủng vaccine COVID-19 trước khi khởi hành. Vì đã không lên bờ trong hai tuần trước khi đến Nhật, nên họ không cần phải cách ly. Thủy quân lục chiến Mỹ được điều động từ đảo Okinawa tới nên cũng không cần phải cách ly.

Trước đó, truyền thông Nhật Bản ngày 22/4 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng tiết lộ quân đội Mỹ đã tổ chức huấn luyện thả dù trên vùng biển và vùng trời gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 2/2021, quân đội Trung Quốc cũng đã đáp trả.

Đài NHK ngày 22/4 nói rất hiếm khi quân đội Mỹ tiến hành các cuộc tập trận thực tế ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này phản ánh mong muốn của Mỹ tăng cường can dự vào khu vực này trong bối cảnh đối kháng Trung-Mỹ ngày càng sâu sắc.

Trước khi diễn tập, Mỹ đã thông báo cho phía Nhật họ sẽ huấn luyện thả dù binh sĩ; nhưng vào ngày huấn luyện, quân đội Mỹ đã không thả binh sĩ bằng đường không. Trong khuôn khổ cuộc huấn luyện, các máy bay vận tải quân sự của Mỹ đã thả vật tư xuống biển khi đang bay gần quần đảo Điếu Ngư, phía Nhật Bản không biết chính xác đó là gì.

Lục quân Nhật diễn tập tác chiến bảo vệ đảo (Ảnh: Sohu).

Lục quân Nhật diễn tập tác chiến bảo vệ đảo (Ảnh: Sohu).

Tin cho biết, vào ngày quân đội Mỹ diễn tập, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay qua vùng trời gần đó. Lực lượng Không quân Nhật Bản cũng tiến hành cất cánh khẩn cấp. Không chỉ vậy, có thông tin cho rằng, phía Nhật Bản còn phát hiện ra sự di chuyển của tàu hải quân Trung Quốc áp sát đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ông Manki Yamashita, cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển (Hải quân) Nhật Bản, cho rằng: “Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ lần này đã tái xác nhận Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ áp dụng cho quần đảo Senkaku. Cuộc tập trận này có thể được coi là quân đội Mỹ chứng tỏ thái độ tham dự của họ vào khu vực này”.

Đồng thời, Nhật Bản gần đây thường xuyên có những hành động bảo vệ quần đảo Senkaku. Truyền thông Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đang xem xét việc triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tại căn cứ Shintahara ở huyện Miyazaki, Kyushu.