Nhật tích cực chuẩn bị đương đầu với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng nóng lên, tàu tuần tra cỡ lớn Akatsuki của cảnh sát biển Nhật Bản đã tới cảng Kagoshima gần Senkaku vào thứ Sáu (26/2).
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi diễn ra tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Trung Quốc với Nhật Bản từ sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo này năm 2012 (Ảnh: Dwnews).
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi diễn ra tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Trung Quốc với Nhật Bản từ sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo này năm 2012 (Ảnh: Dwnews).

Kyodo News cho biết tàu Akatsuki lượng giãn nước tới 6.500 tấn có thể chở trực thăng và có đại bác. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Kirby đã xin lỗi về phát biểu của mình về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đính chính rằng Mỹ công nhận Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo này nhưng không có quan điểm về vấn đề chủ quyền.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 27/2, Akatsuki là tàu tuần tra loại lớn nhất của Lực lượng Cảnh sát biển, thuộc Bộ chỉ huy cảnh sát biển Khu số 10 căn cứ ở Kagoshima, được Nhật Bản chế tạo đặc biệt để tăng cường an ninh cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các vùng biển xa. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Cảnh sát biển Khu số 10, Masahiro Ichijo đã chỉ thị đối với thuyền trưởng Rifun Nakajima của Akatsuki rằng cần phải đóng góp lớn lao cho sự an toàn của công dân Nhật Bản và cần xây dựng một môi trường làm việc lâu dài, tức các chuyến đi biển dài ngày.

Tàu tuần tra cỡ lớn Akatsuki tới cảng Kagoshima ngày 26/2 (Ảnh: Đông Phương).

Tàu tuần tra cỡ lớn Akatsuki tới cảng Kagoshima ngày 26/2 (Ảnh: Đông Phương).

Cảnh sát biển bắt đầu huấn luyện sau khi tiếp nhận chiếc Akatsuki từ nhà máy đóng tàu ở Nagasaki vào hôm 16/2. Đây là chiếc tàu tuần tra cỡ lớn thứ 6 có khả năng mang theo máy bay trực thăng. 4 trong số các tàu tuần tra loại này thuộc Bộ chỉ huy cảnh sát biển Khu 10 ở Kagoshima. Sau khi Trung Quốc thực hiện "Luật Hải Cảnh" cho phép sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã cảnh báo rằng nếu tàu Hải cảnh Trung Quốc cố gắng đổ bộ lên quần đảo Senkaku, nó sẽ bị coi là "phạm tội ác ý” và sẽ đáp trả bằng “nổ súng gây nguy hại”.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói rằng ông sẽ sửa lại những nhận xét được đưa ra trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (23/2) rằng Mỹ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ vẫn không thay đổi; Mỹ công nhận rằng quần đảo này thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản và không giữ một lập trường cụ thể về vấn đề chủ quyền. Ông cũng cho biết, cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo và quan chức Mỹ - Nhật đã khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật và Mỹ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng.

Các tàu công vụ Nhật Bản và Trung Quốc đối đầu căng thẳng trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 6/2013 (Ảnh: Dwnews).

Các tàu công vụ Nhật Bản và Trung Quốc đối đầu căng thẳng trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 6/2013 (Ảnh: Dwnews).

Kyodo News ngày 27/2 đưa tin, Lực lượng Phòng vệ biển (Hải quân) Nhật Bản ngày 26/2 thông báo rằng họ sẽ tiến hành huấn luyện chung với Lực lượng Cảnh sát biển ở vùng biển phía tây Kyushu vào ngày 3/3. Cuộc diễn tập sẽ dự kiến ​​tình huống ứng phó với các tàu khả nghi hướng đến các cơ sở quan trọng như nhà máy điện hạt nhân. Từ ngày 1/2, Trung Quốc đã thực hiện "Luật Hải cảnh" cho phép sử dụng vũ khí chống lại tàu nước ngoài. Theo phân tích, cuộc tập trận chung nhằm mục đích kiềm chế các hoạt động của tàu công vụ Trung Quốc ở xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) .

Theo Hải quân Nhật, tàu hộ vệ Sawag, tàu tên lửa dẫn đường Ohaka và hai máy bay trực thăng tuần tra cũng tham gia diễn tập, trong khi Cảnh sát biển cử hai tàu tuần tra tham gia. Các tàu sẽ cùng theo dõi và truy đuổi các tàu khả nghi cho đến khi chúng dừng lại.

Việc diễn tập chung giữa Hải quân và Cảnh sát biển Nhật Bản nhằm đối phó với các tàu khả nghi đã được thực hiện thường xuyên kể từ năm 1999 và đây là lần thứ 18.

Ngày 23/10/2013, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu tới tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị Nhật kịch liệt phản kháng (Ảnh: AFP).

Ngày 23/10/2013, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu tới tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị Nhật kịch liệt phản kháng (Ảnh: AFP).

Liên quan đến vấn đề phản ứng của Nhật trước việc Trung Quốc ban hành và thực thi Luật Hải cảnh và tranh chấp Trung – Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trang Xinmin (Tân Dân) của Trung Quốc ngày 27/2 đăng bài viết nhan đề “Nhật Bản lại lấy đảo Điếu Ngư ra gây chuyện, liệu họ có dám nổ súng trước?”. Bài báo viết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói tại cuộc họp báo rằng nếu các thành viên thủy thủ đoàn nước ngoài cố gắng đổ bộ lên Quần đảo Senkaku, Lực lượng Phòng vệ biển (Hải quân) Nhật Bản có thể hành động “nổ súng nguy hại”. Điều này có nghĩa là Nhật sẽ nổ súng trước.

Xinmin viết, ông Nobuo Kishi là em trai của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, liệu bài phát biểu của ông tại cuộc họp báo có đại hiện cho thái độ của chính phủ Nhật Bản hiện nay? Về cơ bản thì đúng là như vậy.

Theo Kyodo News của Nhật Bản, lý do khiến ông Nobuo Kishi lên tiếng như vậy là do "Luật Hải cảnh" của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/2. Tuy nhiên, động thái của Nhật Bản đưa ra vào lúc nhiều đồng minh của Mỹ không nỗ lực lắm trong việc kiềm chế Trung Quốc, khiến Mỹ tích cực trong việc khuyến khích Nhật Bản dẫn đầu. Điều đáng chú ý là những lời của ông Nobuo Kishi dường như đang thăm dò Trung Quốc và tìm kiếm cảm giác tồn tại của chính Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tuyên bố nếu Hải cảnh Trung Quốc định đổ bộ lên Senkaku, Nhật có thể "nổ súng gây nguy hại" (Ảnh: Chinatimes).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tuyên bố nếu Hải cảnh Trung Quốc định đổ bộ lên Senkaku, Nhật có thể "nổ súng gây nguy hại" (Ảnh: Chinatimes).

Báo này viết, hãy nhìn lại những gì đã xảy ra giữa Mỹ và Nhật Bản trước khi ông Nobuo Kishi đưa ra tuyên bố Nhật Bản có thể thực hiện hành vi "nổ súng nguy hại": Ngày 17/2, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản Takahiro Okujima, tuyên bố rằng Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực trong vấn đề quần đảo Senkaku. Cũng trong ngày 17/2, trong cuộc gặp đầu tiên của các quan chức quân sự cấp cao giữa Mỹ và Nhật Bản sau khi ông Biden lên nắm quyền, hai bên cũng đã nói về Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 10/2, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói chuyện điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hai ông cũng đề cập đến việc thực thi "Luật Hải cảnh" của Trung Quốc. Blinken thậm chí còn cổ vũ Nhật Bản, nhắc lại rằng quần đảo Senkaku "nằm trong phạm vi điều chỉnh của Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật".

Tàu công vụ hai nước Nhật - Trung va chạm nhau ngày 29/5/2019 (Ảnh: Dwnews)

Tàu công vụ hai nước Nhật - Trung va chạm nhau ngày 29/5/2019 (Ảnh: Dwnews)

Hồi tháng 1/2021, ông Nobuo Kishi cũng đã có một cuộc điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người mới nhậm chức được hai ngày, để xác nhận rằng vấn đề quần đảo Senkaku phù hợp để áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Vào thời điểm đó, ông Shigeru Kitamura, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Nhật Bản, cũng đã tổ chức một cuộc điện đàm với ông Jake Sullivan, Trợ lý về Các vấn đề An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden, để tái khẳng định cam kết của chính quyền Biden.

Một loạt các tương tác giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Nhật Bản dường như cho thấy rằng họ sẽ hợp lực để đối phó với Trung Quốc và tư thế của họ đã trở nên rất rõ ràng.

Nhật Bản không chỉ nói mà không luyện. Kyodo News ngày 26/2 đưa tin, tàu tuần tra cỡ lớn Akatsuki thuộc Bộ Chỉ huy Cảnh sát biển Khu số 10 đã lần đầu tiên tới cảng Kagoshima vào ngày hôm đó. Tàu Akatsuki có lượng giãn nước 6.500 tấn có thể chở trực thăng và được trang bị đại bác, là loại tàu tuần tra lớn nhất của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 18/2/2021 (Ảnh: SCSPI).

Tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 18/2/2021 (Ảnh: SCSPI).

Con tàu này ban đầu do phía Nhật Bản đóng nhằm tăng cường an ninh cho quần đảo Senkaku, cũng như một số đảo xa và vùng biển xa của nó. Bây giờ nó đến cảng Kagoshima, khá gần với quần đảo Senkaku, rõ ràng muốn làm một điều gì đó.

Xinmin đưa lại tin ông Masahiro Ichijo, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Khu số 10 của Cảnh sát biển Nhật Bản, đã chỉ thị cho thuyền trưởng của tàu Akatsuki, ông Rifun Nakajima và những người khác: “Hy vọng các vị sẽ có đóng góp lớn”. Ông cũng nói trong một cuộc phỏng vấn: “Cần xây dựng một môi trường làm việc lâu dài, tức các chuyến đi biển dài ngày”.

Xinmin bình luận: “Điều này có nghĩa là họ muốn đối đầu lâu dài với Trung Quốc chăng?”.