Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang), Trụ sở cơ quan An ninh trên biển của Nhật Bản tại Naha (thủ phủ Okinawa) hôm thứ Hai (15/2) ra thông báo, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) vào khoảng 1h30 chiều và định tiếp cận một tàu đánh cá của Nhật Bản. Nhật Bản lập tức triển khai các tàu tuần tra xung quanh khu vực tàu chiếc tàu đánh cá để đảm bảo an toàn cho họ. Theo nguồn tin từ hãng Kyodo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi văn bản nghiêm khắc phản kháng tới chính phủ Trung Quốc trong hai ngày liền, 15 và 16/2.
Theo Kyodo News, phía Nhật Bản cho biết kể từ khi Trung Quốc thực hiện "Luật Hải cảnh” mới vào ngày 1 tháng 2, cho phép lực lượng Hải cảnh sử dụng vũ khí, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển của quần đảo Senkaku lần đầu tiên vào ngày 6 tháng 2, đến ngày 15/2 đã là lần thứ sáu, và cũng là ngày thứ ba liên tiếp phát hiện tàu công vụ của Trung Quốc tiến vào khu vực này. Một trong những tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện hôm thứ Hai (15/2) được trang bị pháo.
Ông Kato Katsunobu, Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản kiêm Chánh văn phòng Nội các nói rằng phía Nhật lấy làm tiếc về việc Trung Quốc đã nhiều lần cho tàu đi vào quần đảo Senkaku, đồng thời nêu rõ điều đó là "khó chấp nhận" và nhấn mạnh rằng hoạt động của tàu tuần duyên Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế. Ông tiết lộ rằng chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối nghiêm khắc với chính phủ Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và yêu cầu các tàu liên quan rời đi ngay lập tức.
Đàm phán trực tuyến Nhật - Trung về các vấn đề trên biển, Nhật mạnh mẽ phản đối Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Dwnews). |
Theo Kyodo, sau khi "Luật Hải cảnh" cho phép các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sử dụng vũ khí chống tàu nước ngoài được thực thi, các tàu công vụ Trung Quốc gần đây đã liên tiếp đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư của họ). Động thái này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường các hoạt động trên biển dựa trên sức mạnh quốc gia. Chính phủ Nhật Bản phản đối và cho rằng có thể xảy ra xung đột giữa Nhật Bản với Trung Quốc và đã tăng cường cảnh giác. Do một mình Nhật Bản không thể đối đầu hoàn toàn nên phía Nhật Bản đang cân nhắc việc giành được sự ủng hộ từ Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Chủ quyền của Nhật Bản xung quanh Senkaku đã bị lung lay.
Sáng ngày 6/2, Nhật Bản phát hiện hai tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải. Ông Kenyu Funakoshi, Vụ trưởng Châu Á và Châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao, đã truyền đạt quan điểm của Nhật Bản tới các quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, tuyên bố rằng "không chấp nhận việc xâm nhập lãnh hải" và đưa ra phản đối nghiêm khắc; đồng thời giao thiệp thông qua kênh ngoại giao ở Bắc Kinh. Chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp Văn phòng Liên lạc Thông tin trong Dinh Thủ tướng thành Văn phòng Đối sách. Một số ý kiến cho rằng đây là thể hiện chính phủ Nhật Bản nhận định cần thể hiện tư thế nghiêm khắc trước tình hình dư luận Nhật lo ngại về những động thái của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thực hiện “Luật Hải cảnh”.
Nhật sẽ trang bị tàu vận tải cỡ vừa và nhỏ cho Lực lượng phòng về trên bộ để cơ động bảo vệ các đảo (Ảnh: Dwnews). |
Căng thẳng đang nổi lên tại Trụ sở An ninh Hàng hải Khu 11 ở Naha, nơi đang bận rộn đối phó với các tàu hải cảnh Trung Quốc. Theo “Luật Hải cảnh” Trung Quốc ban hành hôm 23/1, khi “chủ quyền của Trung Quốc bị tổ chức, cá nhân nước ngoài xâm phạm trên biển”, hải cảnh có quyền thực hiện “mọi biện pháp cần thiết kể cả việc sử dụng vũ khí”. Do đó, nếu các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đánh giá rằng tàu Nhật Bản xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc gần Senkaku (họ gọi là Điếu Ngư), thì điều kiện sử dụng vũ lực đối với tàu hải cảnh Trung Quốc có lẽ đã có và quan điểm này đã lan rộng. Các nhân viên liên quan của cơ quan cảnh sát biển Nhật Bản đã thể hiện tư thế "thiết thực cảnh giác, bình tĩnh và kiên quyết ứng phó" như mọi khi.
Chính phủ Nhật Bản đã chuyển sang thế phòng thủ dựa vào Mỹ. Một số quan chức chính phủ cấp cao bày tỏ kỳ vọng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hỗ trợ Nhật xung quanh vấn đề Senkaku. Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tổ chức cuộc gặp gỡ thượng đỉnh qua điện thoại giữa Nhật Bản và Mỹ vào ngày 28 tháng 1, ông đã đích thân giới thiệu với giới truyền thông rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận coi quần đảo Senkaku thuộc phạm vi áp dụng của "Hiệp ước đảm bảo an ninh Nhật - Mỹ", quy định Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản; thể hiện ý đồ vượt qua khó khăn thông qua hợp tác Nhật - Mỹ.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo có thể ngăn chặn được các hành động của Trung Quốc. Đó là do giới lãnh đạo Trung Quốc muốn xây dựng một “cường quốc biển” và nỗ lực tranh giành quyền và lợi ích trên vùng biển rộng lớn. Một trong những mục đích của "Luật Hải cảnh Trung Quốc" là cho phép Cục Hải cảnh đảm nhận chức trách của một lực lượng thực tế nhằm đạt được các mục tiêu. Theo một nguồn tin ngoại giao Nhật-Trung, chính phủ Trung Quốc sau khi nhận được phản đối từ Nhật Bản vào ngày 6/2, đã phản bác lại rằng các tàu đánh cá Nhật Bản đã đi vào vùng biển Trung Quốc và Trung Quốc đã có phản ứng cần thiết.
Trung Quốc cũng tập trung vào việc kiềm chế Mỹ. Ông Dương Khiết Trì, người đứng đầu bộ phận đối ngoại và là Ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 5/2 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken và tuyên bố "Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển".
Lục quân Nhật và Mỹ diễn tập phối hợp tác chiến chiếm lại đảo (Ảnh: Dwnews). |
Tại Nhật Bản, trong đảng cầm quyền đã xuất hiện ý kiến chỉ trích thái độ của chính phủ đối với Trung Quốc là mềm yếu. Một nghị sĩ chủ chốt của Đảng Dân chủ Tự do quen thuộc với giới ngoại giao nói với vẻ không hài lòng: “Việc phản đối ở cấp vụ trưởng của Bộ Ngoại giao là quá yếu. Đáng lẽ Bộ trưởng Ngoại giao Toshi Motegi phải xuất đầu lộ diện”.
Ngoài ra, trong một diễn biến mới, Nhật Bản lần đầu tiên có kế hoạch trang bị cho Lực lượng Phòng vệ trên bộ ba tàu vận tải hạng trung và nhỏ vào năm 2024. Theo Kyodo ngày 15/2, động thái này nhằm thiết lập mạng lưới tiếp tế đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm ổn định tới các đảo xa xôi phía Tây Nam. Một khi xung đột nổ ra trên quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc, các tàu vận tải có thể vận chuyển trung đoàn đổ bộ cơ động để giành lại đảo, thậm chí cả binh sĩ lực lượng tên lửa và trang thiết bị.
Với những phản ứng mới, xem ra chính phủ Nhật Bản đang ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trước hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.