Các tên lửa mới nhất được phóng đi từ bán đảo Hodo, thuộc bờ biển phía Đông của Triều Tiên, cùng khu vực mà họ phóng thử nghiệm tên lửa hồi tuần trước - tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc (JCS) cho hay. Phía Hàn Quốc cũng nói thêm rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình để xem có thêm vụ thử nào khác hay không.
JCS sau đó cho hay, phía Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo, bay được khoảng 250 km. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin dường như các tên lửa này khác loại so với tên lửa được phóng hồi tuần trước.
Đại tá Lee Peters, phát ngôn viên lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc, nói rằng: "Chúng tôi đã nắm được thông tin về một vụ phóng tên lửa ở Triều Tiên và sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến". Tuy nhiên, ông không bình luận gì khi được hỏi liệu kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc có tiếp tục như kế hoạch hay không.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, không có tên lửa nào rơi xuống lãnh thổ hay vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, và các vụ phóng của Triều Tiên không đe dọa tức thì tới an ninh của Nhật Bản.
Vào ngày 25/7, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đó là các vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp hôm 30/6 và nhất trí nối lại các vòng đàm phán về giải giáp hạt nhân.
Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao hiện chưa đưa ra bình luận gì về các vụ thử tên lửa mới nhất.
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên qua truyền hình (Ảnh: Reuters)
|
Ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cố giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ phóng thử tên lửa hồi tuần trước mà Triều Tiên thực hiện; trong khi ông Pompeo còn thể hiện hy vọng về con đường ngoại giao trong tương lai với Triều Tiên.
Kể từ sau cuộc gặp Trump - Kim diễn ra hôm 30/6 tại khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã cáo buộc Washington phá vỡ một cam kết khi lên kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc trong tháng tới, đồng thời cảnh báo rằng kế hoạch này có thể làm phương hại tới bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Triều Tiên cũng cảnh báo về khả năng nối lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa mà họ đã tạm ngừng từ năm 2017 - điều mà ông Trump liên tục đưa ra như bằng chứng cho thấy cách tiếp cận của ông với ông Kim đã thành công.
Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc khẳng định rằng cuộc tập trận chung sẽ diễn ra như kế hoạch, nhưng chỉ bao gồm các nội dung tập trận giả định trên máy tính chứ không triển khai binh sỹ trên thực địa.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay đã không thể ra được tuyên bố chung do hai bên không xóa bỏ được các bất đồng. Washington yêu cầu Bình Nhưỡng giải giáp hạt nhân toàn diện, trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, không bên nào chịu nhượng bộ.
Phát biểu trước báo giới trong hôm thứ Ba vừa qua, ông Trump một lần nữa nhắc lại rằng ông có mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim, nhưng thêm rằng: "Chúng ta hãy chờ xem điều gì xảy ra. Tôi không thể nói trước về bất cứ điều gì".
Trong hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Pompeo nói, ông hy vọng các vòng đối thoại cấp làm việc với Triều Tiên giúp vãn hồi các vòng đàm phán giải giáp hạt nhân sẽ được tổ chức "rất sớm". Ngày 30/7, ông nói với các phóng viên đi cùng ông trong chuyến thăm châu Á rằng, ông không rõ thời điểm diễn ra các cuộc đối thoại, nhưng hy vọng rằng Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun cùng đối tác mới có thể gặp gỡ "trước khi quá muộn".
Ông Pompeo và Ngoại trưởng Triều tiên Ri Yong Ho từng được dự kiến sẽ gặp gỡ bên lề một diễn đàn an ninh Đông nam Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan trong tuần này, nhưng ông Ri sau đó đã hủy chuyến đi của mình - Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao hồi tuần trước cho hay.
Ngoại trưởng Pompeo nói rằng ông cũng lường trước việc phái đoàn Triều Tiên không tới Bangkok, nhưng nếu họ tới đó, ông mong muốn có cơ hội gặp gỡ ông Ri. "Chúng ta sẽ xem xem liệu họ có đến hay không, và nếu họ đến, tôi tin rằng chúng tôi sẽ gặp gỡ" - ông Pompeo nói.
Trước đó, trong hôm 30/7, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ, trong tuần trước, một quan chức Triều Tiên đã nói với một đối tác Mỹ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) rằng các cuộc đối thoại cấp làm việc sẽ được khởi động rất sớm.
Harry Kazianis - chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia, trụ sở tại Washington - nhận định rằng các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên rõ ràng là nhằm gây sức ép với Washington.
"Hiện tại, dường như vòng đối thoại cấp làm việc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể phải tạm hoãn cho đến tận mùa Thu năm nay, bởi chính quyền ông Kim sẽ không lập tức trở lại con đường ngoại giao sau các cuộc thử nghiệm tên lửa này" - ông Kazianis nhận định.
Một số chuyên gia phân tích khác thì cho rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường gây sức ép để buộc Washington phải đưa ra thêm nhượng bộ, bởi ông Trump vẫn coi chiến lược mà ông đang áp dụng với Triều Tiên như một thành tựu của mình, làm bàn đạp cho chiến dịch tái tranh cử cho năm sau.
Theo Reuters