Hồi tuần trước, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được cho là khá giống với tên lửa SS-26 Iskander của Nga. Trong lúc mà giới chuyên gia quân sự cố gắng thu thập thông tin nhiều nhất có thể về loại tên lửa này, giới phân tích lại tranh luận về thông điệp mà ông Kim Jong-un muốn gửi tới Washington và Seoul. Liệu đây có phải một lời cảnh báo đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Triều tiên đang mất dần sự kiên nhẫn trong ngoại giao? Liệu có phải đó là chiêu bài ngã giá mà Triều Tiên đưa ra trước khi các vòng đối thoại về giải giáp hạt nhân được nối lại?
Trong trường hợp này, vụ thử mới nhất dường như không phải để phản đối chiến lược đàm phán của chính quyền Trump mà thực chất nhằm đáp trả việc Hàn Quốc mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
Vào ngày 11/7, khoảng 2 tuần trước vụ thử trên, một quan chức giấu tên thuộc Viện nghiên cứu Mỹ, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án việc Seoul mua F-35 của Mỹ là "hành động nguy hiểm cực độ", và Triều Tiên cần phải đưa ra biện pháp trả đũa. Và thực tế là họ đã làm đúng như vậy ngay vào thời điểm cuối tháng.
Bình luận về vụ thử tên lửa, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng: "Đó là vụ thử nghiệm được ưu tiên hàng đầu và là hoạt động cần thiết đối với an ninh quốc gia, phát triển các vũ khí mạnh mẽ, thử nghiệm...để lập tức vô hiệu hóa những thứ vũ khí được xem là mối đe dọa với an ninh quốc gia".
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) thì đưa ra quan điểm rõ ràng: Triều Tiên sẽ không chịu ngồi yên để cho thương vụ F-35 diễn ra suôn sẻ mà không chịu phản ứng nào. Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao Bình Nhưỡng lại phẫn nộ đến vậy trước việc Hàn Quốc sở hữu mẫu F-35? Có 2 nguyên nhân lý giải sự phẫn nộ của họ.
Đầu tiên là về mặt chính trị. Dù khó đoán định được suy nghĩ của ông Kim Jong-un, nhưng vị lãnh đạo này dường như coi việc Hàn Quốc sở hữu F-35 như hành động vi phạm trực tiếp tới tuyên bố chung Singapore đưa ra hồi tháng 6/2018 và tuyên bố chung liên Triều đưa ra vào tháng 9/2018.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Singapore, ông Trump và ông Kim đã ký vào biên bản không ràng buộc dài 2 trang, trong đó cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, theo đúng nguyện vọng hòa bình, thịnh vượng của người dân hai nước. 3 tháng sau, ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký vào một biên bản giảm thang căng thẳng toàn diện - mà mục tiêu chủ yếu là Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ ngừng "tất cả hành động thù địch nhằm vào nhau trên mọi phạm vi trên không, trên biển và trên đất liền".
Nhìn chung, cả Washington và Seoul đều hứa hẹn với Bình Nhưỡng rằng, các biên bản trên là nhằm đặt nền móng cho một mối quan hệ đối tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, ổn định, công bằng thâm chí từ trước khi các bên đạt được thỏa thuận về giải giáp hạt nhân. Các kỳ thượng đỉnh giữa ông Trump với ông Kim, và giữa ông Moon với ông Kim trong năm 2018 một phần đều nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Triều tiên rằng, Mỹ và Hàn Quốc đều mong muốn vứt bỏ chuyện cũ và hướng tới tương lai.
Thế nhưng, khi các phi công Hàn Quốc leo lên buồng lái của mẫu phi cơ tối tân bậc nhất thế giới, ông Kim Jong-un lại cho rằng đó là một hành động thù địch và là trò trở mặt của Mỹ và Hàn Quốc. Dù Washington và Seoul có giải thích gì đi chăng nữa, thì cảm nhận của Bình Nhưỡng về việc này là rất rõ ràng.
Nguyên nhân thứ hai khiến ông Kim phẫn nộ về thương vụ F-35 là: Mẫu phi cơ thế hệ thứ 5 này có khả năng rất ấn tượng. Dù quá trình phát triển F-35 đã trải qua nhiều lần đội chi phí, nhiều cuộc thử nghiệm thất bại, nhưng nó vẫn được xem là "vô đối" trên không. Tính năng tàng hình của F-35 đang thuộc hàng top trên thế giới, có nghĩa rằng các hệ thống phòng không của địch thủ sẽ bị vô hiệu hóa. Theo Lockheed Martin - nhà sản xuất F-35 - "sự kết hợp tính năng tàng hình, công nghệ radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cùng khả năng tải nhiều loại vũ khí và nhiên liệu, cho phép các phi công F-35 tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn mà không bị phát hiện hay theo dõi...". Đối với Triều Tiên, quốc gia vẫn đang dựa vào 13.000 khẩu đội pháo để phòng thủ, thì F-35 là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm.
F-35 thậm chí còn là một mối đe dọa đối với Bình Nhưỡng trong tương lai. Đánh giá Phòng thủ tên lửa (MDR) mà chính quyền Trump công bố mới đây cho rằng F-35 trên lý thuyết có thể mang nhiều tên lửa đánh chặn để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ngay trong hành trình của chúng. Lầu Năm Góc cũng từng tuyên bố họ sẽ nghiên cứu và phát triển thêm khả năng này của F-35. Nếu như tên lửa đánh chặn không-đối-không được phát triển và trang bị cho F-35, chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cuối cùng sẽ trở nên kém hiệu quả hơn trong tình huống xung đột.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi mỗi lẫn Mỹ triển khai quân lực trên bán đảo Triều Tiên là mỗi lần Bình Nhưỡng đưa ra phản ứng. Lãnh đạo Kim Jong-un thường xuyên xem các động thái quân sự ở Hàn Quốc, dù lớn dù nhỏ, như bằng chứng cho thấy Washington và Seoul đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào họ.
Tuy nhiên, F-35 không giống như những vũ khí thông thường. Và trong bối cảnh mà các vòng đàm phán liên Triều đang bế tắc, các vòng thảo luận cấp làm việc giữa Mỹ và Triều Tiên đang hết sức mong manh, không có gì ngạc nhiên khi ông Kim ra chỉ thị cho các tướng lĩnh tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự. Nếu Seoul có ý định vận hành F-35, họ cũng không nên bất ngờ khi Bình Nhưỡng đưa ra các biện pháp trả đũa tương xứng.
Theo National Interest