Quân đội hai bên bắt tay nhau tại điểm kết nối đường bộ trên cao điểm chiến lược
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, cùng ngày 21.11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội hai bên Hàn Quốc và Triều Tiên từ tháng 10 đã bắt đầu tiến hành làm đường từ hai phía để kết nối tại cao điểm này. Theo thỏa thuận, mặt đường rộng 12 mét, hiện chưa được rải nhựa; căn cứ địa hình và điều kiện môi trường, một số đoạn có thể bị thu hẹp. Đoạn đường được làm mới từ phía Triều Tiên dài 1,3km,còn phía Hàn Quốc dài 1,7km, tổng số 3km.
Quân đội Triều Tiên đang làm đường bên phía bắc đường phân giới hai nước.
|
Các binh sĩ quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên khi làm đường đã tiếp xúc với nhau tại đường phân giới và trao đổi tình hình thi công. Yonhap bình luận: từ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, trong suốt hơn nửa thế kỷ, quân đội hai miền Triều Tiên vẫn luôn chĩa súng vào nhau. Giờ đây họ bắt tay nhau cho thấy trang sử hòa bình và hòa giải đã mở ra trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là lần mở đường – kết nối lần thứ 3 giữa hai miền Triều Tiên. Lần đầu vào tháng 10.2003 kết nối tuyến quốc lộ ở Gyeongui và lần thứ hai khai thông tuyến quốc lộ Donhae Seon. Sau đó, việc hòa giải và thông đường qua biên giới giữa hai bên bị gián đoạn tới 14 năm.
Quân đội hai bên thi công đoạn đường nối thông hai miền.
|
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh, lần này, việc lần đầu tiên nối thông tuyến đường bộ giữa hai miền ở huyện Cholwon – khu vực trung tâm chính giữa bán đảo – kể từ sau khi ký kết Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953 có ý nghĩa rất trọng đại. Việc một con đường chạy xuyên khu vực chiến trường ác liệt khi xưa nối thông hai miền, đảm bảo cho công tác tìm kiếm, khai quật những người tử trận được diễn ra thuận lợi, hàn gắn vết thương chiến tranh, càng mang ý nghĩa lịch sử.
Đáng chú ý là cao điểm 281.2, nơi kết nối con đường là một quả núi nhỏ hình tròn có chu vi không đấy 2km, bên phải tựa vào đồi Thượng Cam Lĩnh (Sanggamryong hay Triangle Hill), bên trái liền kề Lão Thốc Sơn (Old Baldy) là nơi diễn ra những trận chiến khốc liệt. Đây cũng là nơi quân đội các bên đã tổn thất rất lớn trong cuộc chiến giành giật cao điểm này trong chiến dịch Bạch Mã Sơn (Battle of Whitehorse Hill) khét tiếng trong Chiến tranh Triều Tiên năm xưa.
Binh sĩ quân đội Hàn Quốc tiến hành khai quật hài cốt binh sĩ tử trận khi xưa.
|
Mục đích kết nối con đường này là thực hiện nội dung thỏa thuận trong Hiệp nghị quân sự 19.9 ký kết tại cuộc gặp gỡ giữa 2 ông Moon Jae In – Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng để tạo thuận lợi cho việc hai bên cùng khai quật hài cốt tại khu phi quân sự. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, trong khu vực này còn mai táng rất nhiều hài cốt của các binh sĩ quân đội Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên.
Quân đội Triều Tiên dùng thuốc nổ phá hủy chốt gác trong khu phi quân sự.
|
Triều Tiên hoàn thành việc phá dỡ 10 chốt gác trong khu phi quân sự
Ngày 20.11, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông báo, vào lúc 15h ngày 20.11, phía Triều Tiên đã hoàn thành công tác phá dỡ 10 chốt tiền tiêu của họ trong khu phi quân sự. Được biết, quân đội Triều Tiên đã dùng thuốc nổ để phá hủy các lô cốt và công sự kiên cố này. Trước khi tiến hành, sáng cùng ngày phía Triều Tiên đã thông báo kế hoạch phá dỡ cho phía Hàn Quốc biết.
Một chốt gác của Triều Tiên đã bị phá hủy.
|
Theo Hiệp nghị quân sự 19.9 ký kết trong cuộc gặp gỡ Moon Jae In – Kim Jong Un, bắt đầu từ ngày 1.11.2018, quân đội hai bên sẽ thí điểm tự phá dỡ 10 chốt gác trong khu phi quân sự. Đây được coi là một biện pháp thực chất đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng quan trọng của việc hai nước xóa bỏ tình hình căng thẳng về quân sự và phòng ngừa xảy ra xung đột vũ trang.
Phía Hàn Quốc quan sát theo dõi công tác phá dỡ chốt gác của phía Triều Tiên.
|
Bắt đầu từ ngày 12.11, quân đội hai bên bắt đầu tiến hành việc tự phá dỡ các chốt gác, công sự và dự tính sẽ tiến hành công tác kiểm tra chéo vào tháng 12 tới đây. Báo chí Hàn Quốc cho biết, phía Triều Tiên chọn cách phá dỡ bằng thuốc nổ vì phần lớn các cơ sở của họ được xây dựng ngầm, thuận tiện cho việc đánh thuốc nổ. Phía Hàn Quốc lúc đầu sử dụng máy ủi, máy xúc để phá dỡ với lý do “xuất phát từ việc xem xét đến môi trường và an toàn”. Nhưng sau đó đối với những chốt gác có kết cấu phức tạp, họ cũng buộc phải sử dụng thuốc nổ TNT để phá hủy.
Lính Hàn Quốc rút khỏi chốt trước khi tiến hành phá dỡ.
|
Theo hiệp nghị đã ký kết, hai bên thỏa thuận mỗi bên chỉ giữ lại 1 chốt gác. Phía Hàn Quốc chọn giữ lại chốt gác được họ xây dựng đầu tiên sau Hiệp định đình chiến 1953 ở bờ biển phía Đông, cũng là chốt ở gần đất Triều Tiên nhất. Triều Tiên thì chọn giữ lại chốt ở khu vực giữa đồng thời là nơi ông Kim Jong Un từng đến thăm.
Quân đội Hàn Quốc dùng máy xúc, máy ủi để phá dỡ lô cốt và công sự nổi.
|
Trong khi quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang rơi vào tình thế bế tắc với việc cuộc gặp gỡ Donald Trump – Kim Jong Un bị trì hoãn thì mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang phát triển theo chiều hướng tích cực, được dư luận Hàn Quốc và Triều Tiên hoan nghênh.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu