Đây là kết quả vượt quá sự mong đợi của thế giới, tạo cơ sở để thiết lập nền hòa bình bền vững sau hơn nửa thế kỷ bán đảo Triều Tiên vẫn ở trong trạng thái chiến tranh với vô vàn sự nghị kỵ và các hành động xung đột, đe dọa chiến tranh liên tiếp nhằm vào nhau.
Tuyên bố chung Mỹ-Triều Tiên có những nội dung có tính nguyên tắc rất cơ bản.
Một là, Mỹ và Triều Tiên nhất trí cùng nhau xây dựng nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên thông qua nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài ở khu vực này. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Rõ ràng, để có được sự cam kết lịch sử vô cùng quan trọng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải “tuyên chiến” với các thế lực trong tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ đã từ lâu luôn coi việc duy trì tình trạng xung đột triền miên trên khắp thế giới, trong đó có điểm nóng Triều Tiên là “nguồn nguyên liệu” và “vốn liếng” rất quan trọng để mang lại siêu lợi nhuận.
Trong suốt nhiều thập kỷ, cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm đặc biệt của bốn con “cá mập khổng lồ” trong tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ. Đó là 4 tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin, Raytheon, Northrop Grumman và Boeing. Những tập đoàn này chuyên bán vũ khí và cung cấp dịch vụ cho quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó điển hình nhất là hệ thống đánh chặn tên lửa AEGIS (Advanced Electronic Guidance & Instrumentation System), máy bay, phụ tùng, chương trình bảo đảm hoạt động cho máy tính điện tử quân dụng và nhiều dịch vụ siêu lợi nhuận khác.
Ngoài 4 “con cá mập khổng lồ” này, nhiều công ty của Mỹ cũng tham gia đảm đảm dịch vụ quân dụng cho hai nước Triều Tiên và Nhật Bản để “sẵn sàng đương đầu với nguy cơ tên lửa hạt nhân từ Bình Nhưỡng”. Như vậy, một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên sẽ “cướp” đi hàng trăm tỷ đô la siêu lợi nhuận của các tập đoàn và công ty trong tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ-một tổ chức được ví như “nhà nước ngầm” trong lòng nhà nước Mỹ.
Hai là, Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Nội hàm của “mối quan hệ mới” này sẽ là như thế nào sẽ còn được các bên xác định trong các cuộc đàm pháp sắp tới, nhưng sẽ không còn là tập hợp các lời đe dọa tấn công lẫn nhau như trước đây mà có thể là quan hệ hợp tác, theo đó Triều Tiên sẽ cải cách, mở cửa với bên ngoài, trong đó dĩ nhiên là mở cửa quan hệ với Mỹ. Đây không chỉ là cơ hội đối với Triều Tiên mà còn là cơ hội để Mỹ tiếp cận thị trường còn “bỏ ngỏ” ở Triều Tiên để Tổng thống Donald Trump thực hiện khẩu hiệu làm cho “nước vĩ đại trở lại”.
Ba là. hai bên tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018. Tuyên bố này có ba nội dung rất quan trọng: (1) Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước, tạo dựng mối quan hệ Liên Triều toàn diện và đột phá nhằm tạo dựng tương lai thịnh vượng và thống nhất cho người dân Triều Tiên, đáp ứng khát vọng của toàn dân tộc và yêu cầu cấp thiết và tất yếu của thời đại; (2) Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên; (3) Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên, coi việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn lâu hơn nữa.
Bốn là, Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết khôi phục tìm kiếm hài cốt tù binh chiến tranh và người mất tích (POW/MIA), trong đó có việc đưa về nước ngay lập tức những hài cốt đã được tìm thấy. Nội dung này gần giống hoạt động nhân đạo mở đầu quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chỉ có điều khác là, trong khi Việt Nam thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) vào tháng 10/1973 ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (tháng 1/1973), thì Triều Tiên và Mỹ chỉ có thể đưa ra cam kết về POW/MIA sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953. VNOSMP đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ cải thiện và phát triển, còn POW/MIA có thể cũng sẽ góp phần thúc đầy “quan hệ mới phù hợp” Triều Tiên-Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Kết thúc Tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ghi nhận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-CHDCND Triều Tiên là hội nghị lần đầu tiên trong lịch sử, một sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn trong việc vượt qua hàng thập kỷ căng thẳng và thù địch giữa hai nước, sẽ mở ra một tương lai mới. Hai bên cam kết thực thi các điều khoản trong tuyên bố chung này một cách toàn diện và nhanh chóng.
Như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã vượt qua được quá nhiều rào cản ngăn cách và sự nghi kỵ cũng như hành động thù địch tích tụ trong hơn nửa thế kỷ để tạo ra bước khởi đầu rất cơ bản và quan trọng. Không cần phải cường điệu để khẳng định rằng kết quả cuộc gặp lịch sử Donald Trump-Kim Jong-un tạo ra sự phát triển mang tính bước ngoặt trong cục diện chính trị trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung.
Kết quả cuộc gặp lịch sử này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của hai cường quốc có vai trò rất quan trọng đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là Trung Quốc và Nga./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Toàn văn Tuyên bố Chung Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. https://baotintuc.vn/the-gioi/toan-van-tuyen-bo-chung-hoi-nghi-thuong-dinh-mytrieu-20180612143034939.htm
[2] Toàn văn Tuyên bố chung Panmunjom của thượng đỉnh liên Triều. https://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-panmunjom-cua-thuong-dinh-lien-trieu/500107.vnp
[2] Мир на Корейском полуострове и военная промышленность США. http://maxpark.com/community/13/content/6365366