Theo Bloomberg, đã có trường hợp một phụ nữ bị tràn dịch màng phổi được các bác sỹ dự đoán là chỉ có 9,3% nguy cơ tử vong. Nhưng Trí thông minh Nhân tạo (AI) của Google lại dự đoán nguy cơ tử vong là 19.9%. Người phụ nữ chết sau đó vài ngày.
Google là một trong số nhiều công ty đang cố gắng áp dụng công nghệ AI để giải quyết một số vấn đề mà ngành y tế phải đối mặt. AI đã tỏ ra hữu dụng khi phân tích một khối lượng lớn dữ liệu và thực hiện các tác vụ mà các bác sỹ thường phải mất nhiều giờ làm việc.
Trong trường hợp này, AI của Google đã chứng minh sự hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu và sau đó sử dụng để học hỏi và cải thiện các phân tích. Theo Bloomberg, công nghệ của Google có thể dự báo một loạt các kết quả về bệnh nhân, bao gồm họ phải điều trị bao lâu trong bệnh viện, khả năng tái nhập viện và thậm chí khả năng tử vong của họ.
Thuật toán của Google có thể đọc được các ghi chú trong các file PDF hoặc chữ viết tay nguệch ngoạc của bác sỹ để đưa ra các chuẩn đoán và xác định “các vấn đề cần giải quyết”. Điều này sẽ giúp các bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị chuẩn xác hơn.
Những lo ngại về đạo đức khi sử dụng AI
Bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sỹ đã sử dụng hệ thống IBM Watson for Oncology - một hệ thống AI hỗ trợ các bác sỹ ra phác đồ điều trị
|
Tuy nhiên, việc dự báo được cái chết cũng gây ra những lo ngại rằng một ngày nào đó AI có thể kiểm soát quá nhiều cuộc sống con người.
Công nghệ của Google cũng làm nảy sinh một loạt các mối quan tâm về đạo đức, về cách thức nó được sử dụng, và người nào được quyền tiếp cận với nó. Chẳng hạn như nếu AI dự đoán rằng bệnh nhân sẽ không sống lâu, vậy việc bố trí giường bệnh cho người đó ở bệnh viện như thế nào? Bệnh viện có sẵn lòng điều trị hay trả về v.v…