TP.HCM lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sở Y tế TP. HCM vừa đưa ra kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid-19.
Trẻ em mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi chặt chẽ. Ảnh: HCDC
Trẻ em mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi chặt chẽ. Ảnh: HCDC

Theo báo cáo nhanh từ các bệnh viện chuyên khoa Nhi trên địa bàn TP.HCM, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, ghi nhận có 315 trẻ được chẩn đoán MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C trên tổng số trẻ em mắc Covid-19. Hội chứng MIS-C - viết tắt của “Multisystem Inflammatory Syndrome in Children” là tình trạng viêm đa hệ thống, bao gồm cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em có tiền sử mắc CovId-19 trước đó. Đây là một hội chứng mới, thường xảy ra vào khoảng 2 đến 6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên cũng có thể gặp sớm hơn hoặc trễ hơn khoảng thời gian này.

Ngoài ra, thực tế cho thấy người dân TP.HCM bị mắc hội chứng hậu Covid-19 khá phổ biến, khiến nhiều bệnh nhân đã phải chịu tốn kém đi tìm giải pháp chữa trị.

Sở Y tế TP.HCM vừa đưa ra kế hoạch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19, can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Một bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc Covid-19 (Ảnh- BV Nhi đồng Thành phố)

Một bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc Covid-19 (Ảnh- BV Nhi đồng Thành phố)

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập rà soát, sẵn sàng thực hiện tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, chăm sóc, điều trị đối với người dân dã từng mắc Covid-19. Xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý sau mắc Covid-19 phù hợp khả năng điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Cụ thể, tầng 1 (Trung tâm y tế quận huyện, TP Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình) thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nhẹ.

Tầng 2 (bệnh viện đa khoa quận, huyện) thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ trung bình.

Tầng 3 ( bệnh viện da khoa, chuyên khoa tuyến cuối) thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch.

Tiếp tục chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn TP.HCM

Tiếp tục chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn TP.HCM

Bên cạnh đó, cử nhân sự tham gia tập huấn các khóa đào tạo liên tục về chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bệnh lý hậu Covid-19; tăng cường hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, chuyển viện kịp thời trong trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng điều trị; đảm bảo công tác thống kê số liệu về tình hình khám chữa bệnh các bệnh lý sau mắc Covid-19 tại các đơn vị.

Sở Y tế yêu cầu Phòng Nghiệp vụ y xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân giai đoạn hậu Covid-19; tổ chức họp Tổ chuyên gia xây dựng “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19; tham gia xây dựng mô hình bệnh tật, các nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng “bệnh lý hậu Covid-19”.

Dự kiến quý 2-2022 sẽ hoàn thành “Hướng dẫn xử trí các vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19”; thực hiện các tài liệu truyền thông về các bệnh lý hậu Covid-19 để người dân có thể tiếp cận. Đến quý 4-2022 sẽ tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch.