TP.HCM gấp rút triển khai phương án 50.000 ca nhiễm, nhận thêm 2.000 máy thở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM cho đến hôm nay đã ghi nhận hơn 28.000 ca nhiễm, gấp rút triển khai phương án điều trị cho 50.000 bệnh nhân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp - Ảnh: Huyền Mai
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp - Ảnh: Huyền Mai

Ưu tiên phương tiện y tế cho TP.HCM

Hôm nay là ngày thứ mười TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Đây là thời gian then chốt để thành phố triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu triển tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh vùng,chặn đứng chuỗi lây lan, giảm số ca mắc tiến tới kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại thành phố. Tính đến hôm nay, Bộ Y tế đã công bố hơn 28.000 ca bệnh trên địa bàn TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp trực tuyến trao đổi với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM về việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, cho biết sẽ áp cơ chế điều hành của Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP.HCM; thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM và điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.

Nhằm kịp thời điều chuyển các ca F0 giảm áp lực cho hệ thống y tế của quận huyện và giảm tử vong đối với các trường hợp F0 chuyển nặng, nguy kịch, Sở Y tế ủy quyền cho Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối các trường hợp F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 và tiếp nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 trong trường hợp cấp cứu đến các bệnh viện điều trị. Trung tâm Cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế để chuyển các trường hợp F0 vào các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, không để các F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ...

Những đoàn xe cấp cứu chở F0 xuyên đêm đi nhập viện trong tâm dịch - Ảnh: HCDC
Những đoàn xe cấp cứu chở F0 xuyên đêm đi nhập viện trong tâm dịch - Ảnh: HCDC

TP.HCM đã nhanh chóng triển khai kế hoạch điều trị 50.000 ca bệnh, theo mô hình tháp 4 tầng trong điều trị COVID-19; cơ sở hạ tầng các khu điều trị ở các tầng dần đi vào nề nếp, từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất và các điều kiện hậu cần khác phục vụ người bệnh.

Đối với Bệnh viện Hồi sức COVID-19 vừa thành lập tại TP Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân sự và điều kiện hậu cần đầy đủ, phối hợp từ tuyến trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.

Đối với các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị khác, Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức việc điều trị thu dung đồng thời mở thêm khu điều trị cho các bệnh nhân chuyển nặng để kịp thời xử lý các ca có dấu hiệu chuyển nặng trong thời gian chờ chuyển các tầng điều trị cao hơn, giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến trên.

TP cũng đã triển khai việc cách ly F0 (nhân viên y tế), F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các trung tâm y tế quận, huyện và các cơ sở cách ly tập trung của tuyến TP.HCM; triển khai các giải pháp công nghệ thông tin để điều phối các ca F0 không triệu chứng đến các bệnh viện thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại các bệnh viện tuyến cuối ở tâm dịch - Ảnh: HCDC
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại các bệnh viện tuyến cuối ở tâm dịch - Ảnh: HCDC

Lập Tổ công tác tiền phương đảm bảo hàng hoá

Hiện nay, toàn bộ đường bay nội địa đến TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để chống dịch đều đã dừng lại. Một số tỉnh, trong đó có Bình Định, đã liên lạc với các cơ quan hữu quan để thuê 4 chuyến bay đưa khoảng 1.000 công dân Bình Định bị kẹt lại TP.HCM về quê, theo nguồn ngân sách xã hội hoá.

Phương án sử dụng đường bay để đưa thực phẩm tươi sống tới TP.HCM sẽ được Chính phủ cân nhắc khi cần. Để giúp thay đổi hiện trạng thiếu thực phẩm tươi sống tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định lập Tổ công tác tiền phương đảm bảo hàng hóa cho TP.HCM và phía Nam. Tổ công tác ngay chiều 17/7 đã có mặt tại TP.HCM để làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam, theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thiết yếu cũng như kiểm soát thị trường.

Tổ công tác gồm 27 thành viên do một Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước làm Tổ trưởng, các tổ viên gồm đại diện lãnh đạo và công chức các đơn vị Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công thương địa phương, Cục Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Báo Công Thương.

Đoàn thanh tra làm việc với cửa hàng thực phẩm Bách Hoá Xanh sau khi lùm xùm vì quá nhiều người dân tố cáo hệ thống này bán hàng cao hơn giá niêm yết - Ảnh: NLD
Đoàn thanh tra làm việc với cửa hàng thực phẩm Bách Hoá Xanh sau khi lùm xùm vì quá nhiều người dân tố cáo hệ thống này bán hàng cao hơn giá niêm yết - Ảnh: NLD

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khuyến cáo với TP.HCM và các tỉnh phía Nam giải pháp cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống chợ truyền thống với 3 điều kiện. Cụ thể, chợ chỉ bán hàng hóa thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hóa tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng; tiêm vaccine cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.

Cũng tại phiên họp với Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, các Bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM đồng thuận với ý kiến, lái xe chở hàng thực phẩm tươi sống đi lại giữa TP.HCM và 18 tỉnh thành phía Nam không nhất thiết phải có giấy xác nhận âm tính với COVID-19, hoặc sử dụng giải pháp các lái xe này có thể đến bất kỳ Trung tâm Y tế nào đủ điều kiện xét nghiệm và được miễn phí xét nghiệm để luôn có giấy thông hành còn thời hạn nhằm thực hiện nhiệm vụ đưa rau củ, hàng tươi sống đến cho TP.HCM và các tỉnh đang phong toả chống dịch.