Người dân TP.HCM đang rất “khát” thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau xanh. Sở Công Thương ngày hôm nay 21/7 đã vừa ban hành văn bản hoả tốc số 3589 hướng dẫn về việc đảm bảo an toàn cho chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, Sở yêu cầu các chợ bắt buộc phải đảm bảo người dân khai báo y tế trực tuyến trước khi vào chợ và số lượng người vào đảm bảo giãn cách; yêu cầu bắt buộc tiểu thương phải đăng ký và đẩy mạnh bán hàng online mới được hoạt động.
Sở Công thương cũng cho biết TP.HCM đã bắt đầu thí điểm sử dụng "App Đặt lịch đi chợ dành cho người dân" (chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12) và mô hình "Tổng đài đặt lịch đi chợ" (thí điểm tại chợ Bình Thới, quận 11). Sau thí điểm, nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình ra toàn thành phố.
Ngoài hai hệ thống quản lý đi chợ trực tuyến này của TP, Sở Công thương đưa ra khuyến cáo, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đẩy mạnh các nhóm đi chợ online, đi chợ thay, đi chợ hộ hoạt động trực tuyến để đảm bảo không tụ tập đông người nơi công cộng.
Đây là những thay đổi đáng kể, giúp cải thiện việc bán hàng và mua hàng trên môi trường kinh doanh trực tuyến của TP.HCM trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lan rộng và ảnh hưởng nặng nề như hiện tại. Suốt 12 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố trước đó, kể từ 0 giờ ngày 9/7, người dân TP.HCM đã phản ứng dữ dội vì liên tục thiếu thực phẩm, rau xanh và không thể mua được theo hình thức kinh doanh online để phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - Ảnh: TTBC |
Tính đến ngày 21/7/2021, trên địa bàn TP.HCM có 32 chợ truyền thống hiện đang hoạt động, phần nào đã thoả mãn được “cơn khát” thực phẩm tươi sống và rau xanh, giãn cách bớt lượng người đổ vào mua hàng tại các siêu thị như tuần trước.
Người dân được phát phiếu đi chợ, tối đa một hộ chỉ được phát 15 phiếu, đảm bảo đi chợ mỗi 2-3 ngày/ 1 lần.
TP hiện có 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (trong đó có 202 chợ truyền thống và 03 chợ đầu mối). Ngày 21/7/2021 ngưng hoạt động 01 chợ so với ngày 20/7 (chợ An Hội – Quận Gò Vấp) do liên quan ca nhiễm tại chợ.
Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: Quận 5: Chợ Nguyễn Tri Phương (ngày 1/7/2021), chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương (ngày 17/7/2021); Quận 11: chợ Bình Thới (ngày 09/7/2021), chợ Phú Thọ (ngày 16/7/2021); Quận Bình Tân: chợ Kiến Thành (ngày 19/7/2021); Huyện Bình Chánh: chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức (ngày 19/7/2021).
Người dân TP.HCM những ngày qua thiếu nhất là rau củ, thực phẩm tươi sống - Ảnh: Hoà Bình |
Riêng Quận 12, có 2 UBND phường triển khai cho các tiểu thương tổ chức gian hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên các tuyến đường rộng.
Cụ thể, phường Tân Thới Nhất: Ban Quản lý chợ Lạc Quang tổ chức thực hiện gian hàng lưu động dọc tuyến đường Dương Thị Giang, đoạn qua dự án 36,2 ha thuộc Khu phố 4 phường Tân Thới Nhất Quận 12. Số lượng: 20 gian hàng nhu yếu phẩm (có thể tăng, giảm tùy theo điều kiện); Phường Tân Hưng Thuận: các thương nhân tổ chức bán hàng, địa điểm: giao lộ đường DN6 và đường DN5 thuộc khu dân cư An Sương.
Huyện Củ Chi sử dụng khu vực sân bóng xã Hòa Phú (19/7/2021) tiểu thương chợ Hòa Phú tổ chức kinh doanh (10 hộ), tổ chức lối ra vào theo hướng 1 chiều, giãn cách giữa các gian hàng 5 mét. Khu vực xã Bình Mỹ (19/7/2021) hộ kinh doanh trên địa bàn phường tổ chức kinh doanh (10 hộ), tổ chức lối ra vào theo hướng 1 chiều.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu