“TP thông minh” thì người dân phải là trung tâm!

VietTimes -- "Mỗi TP phải đặt ra các mục tiêu, lộ trình để thực hiện. Trong đó, lấy người dân làm gốc, làm trung tâm để thực hiện công việc và người dân phải được thụ hưởng sự vượt trội của TP thông minh"- ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nói.
Hội nghị thượng đỉnh "Thành phố (TP) thông minh 2019 - Smart City Summit 2019" diễn ra tại Đà Nẵng vơi sự tham dự của gần 600 đại biểu đến từ các hiệp hội CNTT, phần mềm; các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Hội nghị thượng đỉnh "Thành phố (TP) thông minh 2019 - Smart City Summit 2019" diễn ra tại Đà Nẵng vơi sự tham dự của gần 600 đại biểu đến từ các hiệp hội CNTT, phần mềm; các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Tại hội nghị thượng đỉnh "Thành phố (TP) thông minh 2019 - Smart City Summit 2019" với chủ đề “Xây dựng TP thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số” diễn ra tại Đà Nẵng, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới về những vấn đề liên quan trong tiến trình xây dựng TP thông minh và những kinh nghiệm thực tiễn từ TP Đà Nẵng.

+ Ông nhận định như thế nào về các quan điểm xây dựng TP thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

Trong các cuộc hội đàm, Thủ tướng Malaysia đã rất đúng khi lấy người dân làm trung tâm. Thực ra cuộc chuyển đổi số hay cách mạng công nghiệp 4.0, người ta đều lấy người dân làm trung tâm. Đó là yêu cầu tiên quyết.

Vậy thì phục vụ người dân thế nào? Đầu tiên là người dân được hưởng nước sạch. Tất cả các công ty đã nói người dân phải có quyền được hưởng nước sạch.

Thứ hai, người dân đi lại không bị tắc nghẽn giao thông.

Thứ ba, người dân ốm đau đến viện không phải chờ đợi lâu, được chữa bệnh bằng thuốc tốt.

Thứ nữa, người dân ra đường phải được an toàn, an ninh.

Đó là các thứ đầu tiên mà TP thông minh phải đáp ứng. Còn nếu nói lên nữa, TP phải xanh, phải sống như trong rừng cây, không khí trong lành.

Đó là xu hướng chung, còn ở Việt Nam, việc xây dựng TP thông minh có vấp phải những rào cản  gì thưa ông?

 - Theo tôi, đầu tiên là nhận thức về tầm quan trọng của TP thông minh. Phải nói rằng đây là phương thức phát triển trên toàn thế giới vì chúng ta đang bước sang kỷ nguyên số.

Thứ nữa, TP thông minh vẫn là một khái niệm mới. Nó là gì, cái gì quan trọng nhất, vẫn chưa đồng nhất.

Khó khăn cuối cùng, song cũng là đầu tiên, chính là tiền ở đâu? Phải có quyết tâm đầu tư và cơ chế đầu tư thế nào? Đây đang là vướng mắc làm chậm tiến độ TP thông minh.

+ Theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi của TP thông minh?

- Theo tôi, đầu tiên phải bắt đầu từ dữ liệu và hạ tầng dữ liệu.

Khi chúng ta nói đến TP thông minh là chúng ta nói đến dữ liệu và nguồn dữ liệu rất lớn. Nguồn dữ liệu ấy phải được thông suốt, 5G là hạ tầng để truyền dữ liệu không dây, đó là nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, chúng ta phải có hạ tầng dữ liệu cho tất cả các hệ thống hạ tầng quốc gia. Điều này là việc phải làm và làm ngay.

Thứ nữa, làm thế nào khi ngân sách thiếu thì chúng ta cũng phải để có các công ty đầu tư, và tôi hiểu các công ty công nghệ Việt Nam sẵn sàng đầu tư.

Về tiền, các công ty công nghệ Việt Nam không có vấn đề gì, nhưng làm sao để việc thực thi nhanh, cơ chế vào cuộc sống là quan trọng. Sự lãng phí thời gian lúc này ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh tương lai đất nước.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam

+ Vậy theo ông, thời gian tới Việt Nam cần làm gì để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành công TP thông minh?

- Đầu tiên phải đưa nhanh vào các quy chế, qui tắc, tiêu chuẩn của TP thông minh để người ta biết phải xây dựng như thế nào. Thứ nữa, phải phát triển một qui chế thông thoáng về hợp tác công tư, làm sao để tiến độ của đề án thay vì 1-2 năm xuống còn vài tháng.

Thực tế Việt Nam mới sự vươn ra thế giới đã được xếp hạng. Khi đi ra nước ngoài hỏi những công ty CNTT nào phục vụ các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, thì không thấy công ty Trung Quốc, chỉ thấy công ty Ấn Độ và sau đó là Việt Nam. Chúng ta có vị trí rất cao, tôi rất tự hào.

Tôi rất vui mừng Đà Nẵng được giải cao quý của Hiệp hội CNTT và dịch vụ máy tính châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó ghi nhận TP Đà Nẵng đã đi sớm và làm tốt, nhưng khối lượng công việc còn rất lớn.

+ Nếu như vậy, người dân có cần phải có năng lực công nghệ thì mới có thể sống trong TP thông minh hay không thưa ông?

- Rất may mắn, với khởi sự của Job, công nghệ và cả thế giới đã nằm trên tay bạn với 1 cái chạm. Đấy không phải vấn đề. Ví dụ như ở Singapore có ứng dụng  trên điện thoại khi đi ô tô xóc, họ lập tức báo “ô tô xóc” và nhà nước lập tức phải sửa con đường đó.

Như vậy, TP thông minh phải là sự tương tác thường xuyên giữa Chính phủ và người dân. TP thông minh là con đường các thành phố phải đi và mỗi TP phải đặt ra các mục tiêu, lộ trình để thực hiện. Trong đó, lấy người dân làm gốc, làm trung tâm để thực hiện công việc và người dân phải được thụ hưởng sự vượt trội của TP thông minh.

+ Xin cảm ơn ông!