Hiện tại, ông Trump vẫn đang ở Osaka, Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng nói rằng ngay sau Hội nghị ông sẽ tới Hàn Quốc. "Tôi không biết giờ ông ấy ở đâu, ông ấy có thể không ở Triều Tiên. Nhưng tôi cho rằng Chủ tịch Kim sẽ muốn gặp gỡ, Tôi sẽ ở khu vực biên giới" - ông Trump nói trước báo giới.
"Khi tới đó, nếu Chủ tịch Kim thấy được tôi đang nói gì, tôi sẽ gặp ông ấy ở biên giới/DMZ chỉ để bắt tay ông và nói xin chào!" - ông Trump viết trên Twitter trong sáng hôm 29/6 - "Chúng tôi có thể đến DMZ hay biên giới như họ gọi nó. Khi bạn nói về một bức tường bao, khi bạn nói về biên giới - đó mới gọi là biên giới. Không ai băng qua được biên giới. Đó là mới là biên giới đích thực".
Lời mời của ông Trump không gây bất ngờ cho Tổng thống Moon - người cũng nói trước báo giới hồi đầu tuần này rằng "các vòng đối thoại hậu trường" đang diễn ra nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa Mỹ và Triều Tiên.
Phía Triều Tiên sau đó cáo buộc ông Moon "nói dối", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nước này nói rằng không có kênh bí mật nào thông qua Hàn Quốc, hay mối liên lạc nào khác với Mỹ ngoài các kênh đối thoại chính thức giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Trong khi đó, ông Trump và ông Kim đã trao đổi thư từ, điều cho thấy họ sẵn lòng mở lại đối thoại và kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau khi không ra được tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh lần hai tổ chức tại Hà Nội tháng 2 năm nay.
Bán đảo Triều Tiên đã bị chia tách kể từ khi giành độc lập từ Nhật Bản năm 1945. Sự chia tách càng rõ rệt hơn trong Chiến tranh Triều Tiên, khi mà Mỹ và Trung Quốc bị đẩy vào hai đầu chiến tuyến và hậu quả là thiệt hại to lớn về nhân mạng, tài lực. Lệnh ngừng bắn tại DMZ đã bắt đầu được thực thi từ năm 1953.
Tổng thống Trump từng đề cập tới một tương lai tươi sáng cho Triều Tiên, trong đó hứa hẹn thống nhất với Hàn Quốc và phát triển kinh tế nhanh chóng, nếu như Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên vẫn tỏ rõ sự ngờ vực của họ sau khi các cố vấn của ông Trump đề xuất áp dụng "mô hình Libya" về giải giáp vũ khí mà hậu quả sau cùng là đất nước này bị hủy hoại bởi chiến sự.