Trong một cuộc họp vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “bật đèn xanh”, bắt đầu phê duyệt một số giấy phép, theo đó, cho phép một vài công ty “được chọn” của Hoa Kỳ “lách luật”, không phải thực thi lệnh cấm của ông Trump trong năm nay.
Vào tháng Năm, chính phủ Tổng thống Trump đã đưa Huawei và hàng chục chi nhánh của nó vào “danh sách thực thể” với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Với quyết định này, công ty viễn thông Trung Quốc bị cấm mua các bộ phận và các bản cập nhật phần mềm từ các công ty Mỹ như Google hay Micron nếu không có sự chấp thuận từ phía chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn chưa có hiệu lực hoàn toàn. Chính phủ Mỹ đã ban hành một số lệnh miễn trừ tạm thời cho phép các nhà cung cấp của Huawei và những người dùng các sản phẩm của họ có thêm thời gian để tìm ra giải pháp thay thế. Nhưng quyết định này đã khiến cho căng thẳng thương mại Trung - Mỹ thêm phần leo thang.
Chính phủ Trump từng tuyên bố sẽ tiếp tục cấp giấy phép bán hàng cho Huawei sau khi ông Trump có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 6. Tuy nhiên, không có giấy phép nào được ban hành kể từ thời điểm đó, điều này khiến nhiều người nghi ngờ chính phủ Mỹ sẽ dùng nó làm "bàn đạp" trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại, người chịu trách nhiệm về các giấy cấp phép cho biết đến thời điểm hiện tại, “tình trạng” này vẫn chưa có gì biến chuyển.
Quyết định cấp giấy phép của chính phủ Mỹ có thể giúp hai bên (Trung - Mỹ) xúc tiến quá trình đàm phán nhằm đưa đến một thỏa thuận thương mại. Đại diện chính phủ hai nước sẽ có một cuộc họp tại Washington trong tuần này.
Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế đối với 250 tỷ giá trị hàng hóa của Trung Quốc trong tháng này và áp đặt một loạt các loại thuế khác vào tháng 12 nếu Bắc Kinh không chịu nhượng bộ những yêu cầu của Washington. Tuy nhiên, nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ không mong muốn cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang, họ muốn chính phủ hai bên sớm đạt được một thỏa thuận nhằm chấp dứt căng thẳng thương mại đã kéo dài hơn một năm.
Hiện tại, chưa có điều gì là chắc chắn rằng quyết định này có thể trở thành hiện thực hay không. Trung Quốc vẫn “chống đối” lại các yêu cầu từ phía chính phủ Mỹ. Trên thực tế, một số công ty Mỹ vẫn “lách luật” tiếp tục cung cấp hàng hóa cho Huawei bằng việc dán nhãn xuất xứ “ngoài Hoa Kỳ” đối với các sản phẩm của mình.
Theo NY Times