"Chúng tôi mong muốn phục hồi quan hệ toàn diện giữa Nga và EU để duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và sự ổn định trên lục địa chung của chúng ta. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp mang tính xây dựng với tất cả các lực lượng chính trị nhận được sự ủy thác của cử tri châu Âu" - ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn.
Nga không can thiệp nội bộ của nước khác
Moscow không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước và đây là điểm khác biệt quan trọng để phân biệt giữa Nga và Mỹ cùng các đồng minh - ông Putin nói.
"Tôi muốn nói điều này một cách rõ ràng. Chúng tôi không can thiệp và không có kế hoạch can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước EU hay các nước khác trên thế giới. Đó là điểm khác biệt quan trọng giữa chúng tôi và Mỹ cùng một số đồng minh của họ. Ví dụ, họ ủng hộ việc lật đổ chính quyền Ukraine vào tháng 2/2014" - ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin nói rằng, các cáo buộc cho rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ là "điều ngớ ngẩn nhất". Lãnh đạo Nga nhắc lại rằng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Mỹ điều tra nhằm vào cáo buộc này đã "chấm dứt mà không có kết quả, thất bại", trong khi các nhà điều tra không thể đưa ra bằng chứng chứng minh Nga can thiệp, bởi bằng chứng không tồn tại.
"Thực tế rằng các đòn trừng phạt nhằm vào đất nước chúng tôi do các cáo buộc can thiệp bầu cử đến nay vẫn còn hiệu lực. Đồn đoán xung quanh việc Nga can thiệp bầu cử ở EU cũng tương tự. Các cáo buộc này được đưa ra ngay trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu. Dường như có ai đó đang âm mưu cho rằng "sự can thiệp xấu xa của Nga" dẫn tới các kết quả thấp của một số lực lượng chính trị trong kỳ bầu cử này" - ông Putin nói.
Những người tung ra cáo buộc này muốn tìm cách làm xấu hình ảnh nước Nga trong tâm trí người dân châu Âu - ông Putin nói.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng đất nước ông luôn mong muốn nối lại quan hệ toàn diện với EU và sẵn sàng hợp tác với mọi lực lượng chính trị mà cử tri EU ủng hộ để đảm bảo an ninh và sự ổn định trên lục địa.
Nga sẵn sàng ký Hiệp ước cắt giảm vũ trang với Mỹ
Ngoài vấn đề quan hệ EU-Nga, ông chủ Điện Kremlin cũng bình luận về những diễn biến mới đây về Hiệp ước New START. Theo ông Putin, Moscow không nhận thấy sự sẵn lòng của Washington trong việc thảo luận về việc kéo dài hiệp ước kiểm soát vũ trang này, thêm rằng viễn cảnh hợp tác Mỹ-Nga trong vấn đề vũ khí chiến lược vẫn chưa rõ ràng.
"Hiệp ước NEW START sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021. Chúng không thấy sự sẵn lòng thảo luận của Washington về việc gia hạn hiệp ước hay đàm phán hiệp ước mới" - ông Putin cho hay - "Việc tiêu hủy hệ thống an ninh quốc tế bắt đầu kể từ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi một hiệp ước về phòng thủ tên lửa. Đó là một cột mốc trong hệ thống kiểm soát vũ trang".
Ông Putin tiếp tục khi so sánh chi tiêu quốc phòng của Nga (48 tỷ USD) với Mỹ (hiện vượt qua 700 tỷ USD).
"Chúng tôi không có ý định tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang như vậy, nhưng chúng tôi cần phải đảm bảo an ninh trong nước... Chúng tôi đã liên tiếp yêu cầu Mỹ làm rõ những câu hỏi về hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) nhưng luôn bị bác bỏ. Kết quả là, Mỹ hiện đang rời bỏ thêm một hiệp ước khác" - ông Putin nói.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga luôn sẵn sàng thảo luận để hướng tới ký kết một hiệp ước cắt giảm vũ trang với Mỹ, thêm rằng "trái bóng giờ ở phần sân của Mỹ".
"Đạt được các thỏa thuận nhất định trong lĩnh vực kiểm soát vũ trang sẽ giúp tăng cường sự ổn định quốc tế. Nga luôn sẵn lòng làm như vậy. Giờ trái bóng ở phần sân của Mỹ. Tôi đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Trump trong cuộc họp mới đây bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20" - ông Putin nói.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng vào tháng 10/2018, Moscow đã đề xuất với Mỹ đưa ra một tuyên bố chung để tránh một cuộc chiến hạt nhân và thừa nhận các hậu quả hủy diệt của nó.
"Và mãi đến giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp từ phía Mỹ" - ông Putin nói.
Tổng thống Nga tuy nhiên nói rằng Washington đã bắt đầu cân nhắc về việc tái khởi động các vòng đàm phán với Nga liên quan tới hàng loạt vấn đề chiến lược.
Theo Sputnik News