Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ quy tụ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản trong tuần này. Mọi con mắt đều đổ dồn về các cuộc họp bên lề được mong đợi từ lâu giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong lúc giới quan sát đang tính toán xem mối quan hệ giữa Mỹ và các đối thủ chiến lược sẽ đi về đâu, thì một diễn biến mà Mỹ không mong đợi đã xảy ra. Căng thẳng giữa Mỹ và cả Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cao, trong khi ông Tập và ông Putin ngày càng xích lại gần nhau.
Lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã tăng cường mối quan hệ theo nhiều cách, khiến cho Washington khó có thể cạnh tranh với hai nước này. Trong tam giác siêu cường này, ông Trump dường như đang bị bỏ ngoài lề.
Đương nhiên không phải ông Trump đã từ bỏ mọi nỗ lực cải thiện quan hệ với ông Putin và ông Tập, mà thực tế là ngược lại. Ông chủ Nhà Trắng thường xuyên thể hiện sự quý trọng với cả ông Putin và ông Tập, đồng thời nói về mong muốn được làm bạn với họ. Nhưng dù vậy, các chính sách mà chính quyền của ông đưa ra – lao vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và gia tăng các lệnh trừng phạt với Nga – lại đẩy ông Putin và ông Tập xích lại gần nhau hơn. Ông Putin đã gọi ông Tập là “người bạn tốt nhất” trong khi ông Tập vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 66 của mình với ông Putin. Tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo đã tạo nên động lực chính giúp tăng cường qua hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga thời gian qua.
Tâm điểm của sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga chính là lợi ích chung của họ trong việc thu hẹp tầm ảnh hưởng của Mỹ. Hai nước đang đoàn kết lại vì họ đều cảm thấy bất mãn với các chính sách của nước Mỹ, trật tự quốc tế mà Mỹ tự đặt mình ở vị trí thống trị. Dù khởi điểm là vậy, nhưng Nga và Trung Quốc sau đó ngày càng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mang lại lợi ích chung, hướng tới một quan hệ đối tác sau rộng và lâu dài. Rõ ràng là Trung Quốc đang dần trở thành thách thức lớn nhất đối với các lợi ích của Mỹ trong tương lai gần, và việc nước này tăng cường hợp tác với Nga chỉ càng làm tăng thách thức đó.
Và tác động từ việc Nga-Trung tăng cường hợp tác đã được thể hiện khá rõ ràng. Nga và Trung Quốc hiện đang đưa ra hướng tiếp cận giống nhau đối với vấn đề Triều Tiên, họ cũng đang hợp tác để ủng hộ Iran trong bối cảnh nước này chịu “sức ép cực đại” từ các đòn cấm vận Mỹ áp đặt. Moscow và Bắc Kinh cũng chia sẻ nhiều lợi ích trong việc hậu thuẫn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Thêm vào đó, hồi đầu tháng này, hai nước đã đưa ra quan điểm chung tại LHQ, trong đó ngăn chặn một tuyên bố lên án vụ việc đàn áp đẫm máu người biểu tình ở Sudan.
Nói ngắn gọn, Nga và Trung Quốc chia sẻ nhiều lợi ích và quan điểm chung về trật tự thế giới. Trong lúc mối quan hệ này tiếp tục được thắt chặt, Washington ngày càng cảm thấy việc bảo vệ các lợi ích của họ trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn.
Bị đẩy vào vị trí khó khăn như hiện nay, Washington cần phải có biện pháp để giải quyết và kiểm soát tình thế. Để ngăn chặn mối quan hệ hợp tác Nga-Trung không đi sâu thêm, Washington buộc phải tìm cơ hội gây căng thẳng trong mối quan hệ đó. Nga và Trung Quốc có thể đang xích lại gần nhau, nhưng các lợi ích của họ - đặc biệt là hướng tiếp cận của họ - lại không giống nhau. Ví dụ, Nga và Trung Quốc đều cạnh tranh ở khu vực Trung Đông để có được các hợp đồng mua bán vũ khí và hợp đồng cung cấp năng lượng. Và hướng tiếp cận của họ với châu Âu cũng có thể là nguồn cơn gây căng thẳng. Mỹ cũng có thể rêu rao về cáo buộc Nga can thiệp và gây bất ổn ở nhiều nước như lời cảnh báo với Trung Quốc rằng các lợi ích kinh tế của họ cũng có thể chịu tổn hại.
Chính quyền Trump hiện nay chỉ tập trung vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà quên một thực tế rằng, bất kỳ “chiến thắng” thương mại nào cũng đều không hoàn thiện khi Washington không giải quyết được thách thức từ Bắc Kinh, đặc biệt khi họ hợp tác với Moscow, nhằm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Washington khó có thể giải quyết vấn đề này hữu hiệu nếu cứ đơn độc như hiện nay. Để đối đầu với Nga-Trung, Mỹ cần phải quy tụ được các đồng minh và đối tác của mình, quan trọng nhất trong số đó chính là các đồng minh châu Âu. Châu Âu hiện nay cũng ngày càng tỏ rõ sự quan ngại của họ trước thách thức từ Trung Quốc và cũng đang mong muốn hợp tác với Mỹ để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.
Bắc Kinh và Moscow đều đang tận dụng khoảng thời gian mà Mỹ và các đồng minh châu Âu đang có nhiều bất đồng về hàng loạt vấn đề: Chiến tranh thương mại, cấm vận Iran…và chính sách áp thuế mà Mỹ đang áp dụng cũng khiến họ cùng các đồng minh khó đưa ra được quan điểm chung thống nhất. Theo giới phân tích, điều mà chính quyền Trump cần làm nhất bây giờ là kết nối với các đồng minh và đối tác để xây dựng một liên minh chống lại thách thức từ mối quan hệ Nga-Trung đang tăng.
(Theo National Interest)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu