Tổng thống Putin: Nga cần sản xuất các hệ thống từng bị cấm theo INF để đáp trả Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nga phải đáp trả hành động của Mỹ và có vẻ như cần phải bắt đầu sản xuất hệ thống tấn công lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

"Chúng ta phản ứng trước điều này và đưa ra quyết định về những gì chúng ta sẽ phải làm dựa trên hướng đó. Rõ ràng, chúng ta cần bắt đầu sản xuất các hệ thống này và sau đó, dựa trên tình hình thực tế, đưa ra quyết định về nơi để triển khai chúng”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc họp tác chiến với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Nga.

Tổng thống Putin cho biết, Mỹ không chỉ sản xuất INF mà còn đưa chúng đến châu Âu.

"Vào năm 2019, chúng tôi đã thông báo rằng sẽ không sản xuất những tên lửa này và chúng tôi sẽ không triển khai chúng cho đến khi Mỹ triển khai những hệ thống này ở một số khu vực trên thế giới. Ngày nay, ai cũng biết rằng Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn đã đưa chúng tới châu Âu để tập trận, tới Đan Mạch”, ông Putin nói trong cuộc họp tác chiến với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Nga.

Ông Putin cho biết, hiện tại vẫn chưa rõ liệu Mỹ đã di dời các tên lửa tầm trung và tầm ngắn khỏi Philippines hay không, nơi trước đó chúng được chuyển đến như một phần của cuộc tập trận.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Sputnik, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói về những diễn biến liên quan đến việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

"Việc thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa INF trên mặt đất của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của chúng tôi. Cụ thể, trong kịch bản này, việc Nga đơn phương từ bỏ các hạn chế sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là không thể tránh khỏi", ông Lavrov tuyên bố.

Hiệp ước INF được ký giữa Liên Xô và Mỹ năm 1987, cấm các nước này phát triển và sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500-5.500 km. Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước. Đầu tháng 7/2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật đình chỉ hiệp ước. Tháng tiếp theo, nó không còn tồn tại.

Theo Sputnik