Từ tháng 3 năm nay, Philippines đã cáo buộc hàng trăm tàu dân quân biển của Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Ba Đầu trên Biển Đông, nơi Philippines tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Philippines có lúc đã cho máy bay chiến đấu tới xua đuổi. Từ cuối tháng 4, Trung Quốc đã yêu cầu Philippines rút các tàu của họ trong vùng biển tranh chấp, dừng các hành động làm phức tạp thêm tình hình và làm trầm trọng thêm tranh chấp.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 15/5, hôm 14, ông Duterte đã có một bài phát biểu trên truyền hình, nói rằng Philippines có lập trường của mình và sẽ không lùi bước, ông nói: “Tôi không muốn cãi nhau, tôi không muốn rắc rối. Tôi tôn trọng lập trường của các ông (Trung Quốc), các ông cũng phải tôn trọng lập trường của tôi, nhưng chúng tôi sẽ không đi tới chiến tranh".
Ông cũng nói: "Tôi sẽ không nhượng bộ, dù các ông giết tôi, tình hữu nghị của chúng ta sẽ chấm dứt ở đây". Ngoài ra, ông Duterte nói rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào phán quyết của phiên tòa trọng tài Quốc tế Biển Đông năm 2016. Khi đó Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague đã phủ nhận hoàn toàn việc Trung Quốc lâu nay tuyên bố có các quyền lịch sử đối với vùng biển và các đảo và đá ngầm bên trong cái gọi là "Đường 9 đoạn" trên Biển Đông.
Hôm 14/5, ông Duterte tuyên bố: dù Trung Quốc có giết, ông cũng không nhượng bộ, không rút tàu (Ảnh: Đa Chiều). |
Trong khi đó, trang tin Đa Chiều (Dwnews) cùng ngày 15/5 đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 14/5 đã “thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc yêu cầu Philippines rút tàu khỏi khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. Duterte nói rằng ngay cả khi tình hữu nghị của ông với Bắc Kinh bị đe dọa, ông cũng sẽ không cúi đầu trước áp lực”.
Hãng thông tấn vệ Nga Sputnik ngày 14/5 đưa tin, ông Duterte nhắc lại rằng ông không thể chọn cách phát động chiến tranh chống lại Trung Quốc, nhưng ông bày tỏ sẵn sàng chấm dứt quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh.
"Chúng tôi có lập trường của mình và tôi muốn nói rõ ở đây rằng chúng tôi sẽ không lùi bước dù chỉ một inch". "Tôi sẽ không lùi bước, ngay cả khi các ông giết tôi. Tình hữu nghị của chúng ta sẽ kết thúc ở đây", Duterte đã thẳng thừng tuyên bố như thế trên truyền hình vào ngày 14/5.
Còn theo RFI đêm 14/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm 14/5: ngay cả khi bị Trung Quốc giết chết, ông cũng sẽ không rút các tàu của Philippines khỏi vùng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Xuồng cảnh sát biển Philippines đến gần các tàu dân quân biển Trung Quốc đang neo đậu gần bãi Ba Đầu (Ảnh: AP). |
RFI cho biết, theo bản tin của ABS-CBN, công ty phát thanh và truyền hình lớn nhất ở Philippines, trong cuộc họp, ông Lorenzana đã báo cáo với ông Duterte rằng quân đội Philippines đã triển khai hai tàu ở Biển Tây Philippines, hoạt động ở gần quần đảo Kalayaan và gần Đá Vành Khăn. Ông Duterte đáp lại: "Tôi muốn thông báo cho Trung Quốc. Tôi có hai tàu ở đó ... Tôi sẽ không rút chúng". Ông nói các tàu của Philippines "sẽ không lùi dù một inch nào". Duterte đe dọa: "Tôi sẽ không lùi bước. Nếu các ông muốn giết tôi cứ việc giết, tôi ở đây. Tình hữu nghị của chúng ta sẽ kết thúc tại đây". Trước đó, ngày 12/5, Nhóm Công tác Nhà nước về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) đã thông báo cho biết "số lượng tàu dân quân biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines lên tới 287 chiếc".
Vào thời điểm giữa hai nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông, ông Duterte hồi tuần trước đã cho rằng việc Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 “là một tờ giấy lộn có thể bị ném vào thùng rác”. Phát biểu của ông đã bị bà Phó Tổng thống Leni Robredo và cựu Thẩm phán Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines chỉ trích. Ngày 10/5, Duterte cũng tuyên bố trước cả nước rằng ông đã đề xuất trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 "sau khi đắc cử, tôi sẽ đi thuyền máy để thách thức cam kết bầu cử của Trung Quốc đối với việc xâm phạm vùng biển của Philippines” chỉ “thuần túy là một trò đùa” và nói những người tin vào lời hứa này của ông là “ngu xuẩn”. Thái độ của ông Duterte về vùng biển tranh chấp và liên tiếp có những phát ngôn gây tranh cãi đã khiến ông phải chịu thêm sức ép từ phe đối lập và dư luận trong nước.
Ông Duterte luôn bị phe đối lập và dư luận trong nước chỉ trích theo đuổi chính sách mềm yếu trước Trung Quốc. Trong ảnh: ông Duterte gặp gỡ ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 29/8/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Sau khi đưa ra một tuyên bố cứng rắn hơn vào thứ Sáu 14/5, ông Duterte không quên nhắc lại rằng: "Tôi không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Đây là điều tôi không thích nhất. Tôi nhắc lại, chúng ta có một món nợ ân tình rất lớn". Ông muốn đề cập đến vắc-xin và các hỗ trợ y tế khác mà Trung Quốc cung cấp cho Philippines trong đợt đại dịch COVID-19.
Đối với những nhận xét của chính ông đưa ra nói phán quyết về Biển Đông của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague vào năm 2016 là "một tờ giấy lộn", ông Duterte đã nói trong một bài phát biểu được ghi hình ngày 14/5: "Bạn muốn có thêm tài liệu nào nữa, để tôi đi lấy. ..... Liên Hợp Quốc hữu ích bao giờ vậy?". Ông nói: "Tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ đi đến cơ quan nào? Liên hợp quốc ư? Xin hãy để tôi đi ... Tôi sẽ trở thành một cây hài ở đó". Tháng 9 năm ngoái, Duterte lần đầu tiên đề cập đến thắng lợi của vụ kiện Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng LHQ.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm thứ Năm cũng giới thiệu rằng kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, Philippines đã có 83 cuộc phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc. Ông Abalos, Giám đốc điều hành Văn phòng Truyền thông và Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines, nói với các phóng viên: "Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo các số liệu mới nhất, nhưng tính đến ngày 4/5, đã có 83 lần phản đối Trung Quốc dưới chính quyền của ông Duterte". Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. đã ra lệnh cho Bộ tiếp tục có công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của gần 300 tàu Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.
Lập trường của vị tổng thống này luôn thay đổi đến chóng mặt, ngay những người Philippines cũng cảm thấy không thể hiểu nổi nhà lãnh đạo của họ.