Đây là diễn biến mới nhất trong hàng chục hoạt động kháng nghị gần đây của Bộ Ngoại giao Philippines. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã liên tiếp đưa ra những lời lẽ được cho là ngày càng gay gắt và cứng rắn đối với các hành động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Bất chấp lập trường thân thiện của Tổng thống Duterte đối với Trung Quốc, cuộc tranh chấp được quốc tế chú ý này vẫn đang leo thang.
Theo VOA tiếng Trung, hôm 3/5, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr đã viết bản tweet yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Ông thậm chí còn sử dụng những từ ngữ được cho là “thô thiển” trong tweet của mình: “Trung Quốc, bạn của tôi, làm sao tôi có thể ăn nói một cách lịch sự với các người? Hãy để tôi nghĩ về nó xem ... oh ... Các người cút đi!". Bản tweet của ông Losin cũng có đoạn: “Các người đã làm gì cho tình bạn của chúng ta?”; "Các người giống như một ả ngốc xấu xí áp đặt sự chú ý của mình với một anh chàng đẹp trai cô nàng muốn kết thân...".
Bản tweet với lời lẽ được coi là "thô thiển" đối với Trung Quốc của ông Locsin (Ảnh chụp qua màn hình). |
Hãng Reuters đưa tin nói rằng Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của phóng viên Reuters. Các quan chức Trung Quốc trước đó đã tuyên bố rằng các tàu của họ tập trung ở vùng biển xung quanh rạn san hô Whitsun (Ba Đầu) đang tranh chấp là tàu đánh cá ở đó để tránh gió và sóng biển. Rạn san hô Whitsun được Trung Quốc gọi là “Ngưu Ách Tiêu” và Philippines gọi là Julian Felipe.
Một ngày trước đó, hôm 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc yêu cầu Philippines chấm dứt các cuộc tuần tra ở vùng biển tranh chấp. Hãng tin AP đưa tin, ông Lorenzana đã nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tối Chủ nhật (2/5) rằng: “Mặc dù chúng tôi thừa nhận khả năng quân sự của Trung Quốc tiên tiến hơn chúng tôi, nhưng điều này không ngăn cản chúng tôi sử dụng mọi thứ chúng tôi có để bảo vệ lợi ích quốc gia và danh dự của chúng tôi với tư cách một quốc gia".
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Philippines, kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống vào năm 2016, tính đến ngày 26/4, Philippines đã 78 lần phản đối ngoại giao tới Trung Quốc.
Tàu cảnh sát biển Philippines tập trận ở gần bãi Ba Đầu thả xuồng đến sát các tàu dân quân biển Trung Quốc (Ảnh: AP). |
Hãng Reuters đưa tin, bà Marie Yvette Banzon-Abalos, Giám đốc điều hành về tiếp xúc chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết “Tuyên bố của chúng tôi cũng ngày càng thuyết phục hơn vì những hoạt động này (của Trung Quốc) ngày càng ngang ngược hơn, số lượng xâm nhập, tần suất và khoảng cách đều rất gần".
Philippines tuyên bố có chủ quyền đối với một phần của Biển Đông, trong khi Trung Quốc đã coi gần như toàn bộ các vùng biển của Biển Đông là thuộc sở hữu của mình. Biển Đông là tuyến đường vận chuyển quốc tế nhộn nhịp, với lượng hàng hóa trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD đi qua vùng biển này mỗi năm. Biển Đông giàu tài nguyên thủy sản và dầu mỏ dưới đáy biển. Vào năm 2012, Trung Quốc đã sử dụng các tàu Hải cảnh và Hải giám để bao vây đảo Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) mà Philippines tuyên bố chủ quyền và đã chiếm đóng thực tế khu vực biển này.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Hay đã ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền biển của Bắc Kinh dựa trên bản đồ cũ của họ là không phù hợp luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn yêu cầu Philippines tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp và "ngừng các hành động làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp". Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Quân đội Trung Quốc hôm Chủ nhật (2/5) cho biết, biên đội tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông.
Tổng thống Duterte tuần trước tuyên bố sẽ không lui bước trước Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ (Ảnh: AP). |
Tranh chấp leo thang mới nhất giữa Manila và Bắc Kinh bắt đầu với việc Philippines phát hiện hơn 200 tàu Trung Quốc bị nghi là lực lượng dân quân biển hoạt động tại bãi đá ngầm Whitsun (Ba Đầu) vào đầu tháng 3. Chính phủ Philippines đã yêu cầu Trung Quốc rời các tàu đi và sau đó triển khai các tàu của Cảnh sát biển đến khu vực này. Rạn san hô Whitsun nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Trung Quốc nói họ sở hữu rạn san hô này.
Kể từ khi Tổng thống Philippines Duterte nhậm chức, ông chủ yếu tìm cách thiết lập mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỷ USD đầu tư, viện trợ và các khoản cho vay mà Bắc Kinh hứa hẹn. Khi tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Philippines và Trung Quốc ngày càng leo thang, ông Duterte vẫn coi Trung Quốc là "người bạn tốt". Tuy nhiên, Reuters đưa tin ông Duterte tuần trước đã nói rằng “tuy Philippines mang ơn Trung Quốc rất nhiều và không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, nhưng Philippines sẽ không lui bước trong vấn đề lãnh thổ”.