Hai phe Tổng thống và Phó Tổng thống Philippines khẩu chiến về “ai dâng lãnh thổ cho Trung Quốc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Tranh cãi giữa hai phe trong giới cầm quyền Philippines về vấn đề Biển Đông lại gay gắt; Roque, người phát ngôn của Tổng thống Duterte đã yêu cầu Phó Tổng thống Robredo tranh luận về việc để Trung Quốc chiếm đảo.
Bãi cạn Scaborough tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012 (Ảnh: AMTI).
Bãi cạn Scaborough tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012 (Ảnh: AMTI).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 11/5 dẫn nguồn bản tin của ABS-CBN, công ty phát thanh và truyền hình lớn nhất ở Philippines: ngày 10/5, ông Harry Roque trong một cuộc họp báo đã kêu gọi Phó Tổng thống Leni Robredo: “Nếu cựu Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio không muốn tranh luận với một luật sư bình thường như tôi, thế thì chúng ta hãy tranh luận. ‘Một lần vất vả, suốt đời nhàn nhã’, phe đối lập nên có người nào đó đứng ra tranh luận xem có đúng là Tổng thống Rodrigo Duterte đã dâng tặng lãnh thổ cho Trung Quốc, hay các chính phủ khác đã làm điều đó”.

Đáp lại, một người phát ngôn của bà Phó Tổng thống Robredo nói: "Ông can đảm đấy, nhưng chính ông đã rút lui trong cuộc tranh luận đầu tiên mà ông yêu cầu. Hãy như Phó Tổng thống Robredo: làm việc đi. Ông có nhiều thời gian rảnh rỗi quá”.

Phó Tổng thống Leni Robredo, người được cho là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển đảo (Ảnh: Reuters).

Phó Tổng thống Leni Robredo, người được cho là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển đảo (Ảnh: Reuters).

Trong khi Philippines và Trung Quốc đang tranh cãi về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 6/5 tuyên bố rằng chiến thắng của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là “một mảnh giấy lộn có thể ném vào thùng rác”.

Theo tin của Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 6/5, cuộc bầu cử tổng thống Philippines sẽ bắt đầu vào tháng 5 năm 2022. Cựu Chánh án Tòa án Philippines Antonio Carpio và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario tuyên bố sẽ thành lập một phe đối lập liên minh các đảng để cùng giới thiệu ứng cử viên đối mặt với đội ngũ của ông Duterte. Phe đối lập yêu cầu chính phủ thực hiện phán quyết về Biển Đông và chỉ trích lập trường yếu kém của ông Duterte đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 6/5, ông Duterte đã phản công, nói phán quyết của Tòa thường trực Trọng tài quốc tế The Hague về Biển Đông chỉ là một tờ giấy lộn và sẽ bị ném vào thùng rác. Ông nói: "Họ đã đâm đơn kiện và chúng ta đã thắng; nhưng tờ giấy này là vô giá trị trong cuộc sống thực, giữa dân chúng hai nước, có thể ném nó vào thùng rác".

Sau khi lên cầm quyền, ông Duterte theo đuổi chính sách được cho là thân thiện với Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Sau khi lên cầm quyền, ông Duterte theo đuổi chính sách được cho là thân thiện với Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Sputnik đặc biệt đề cập rằng ông Duterte cũng sỉ nhục các ông Carpio và Rosario trong bài phát biểu của mình. Ông Duterte nói, nếu những người chỉ trích ông trả lời, chứng minh được ông đã cho phép Philippines rút khỏi bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag) tranh chấp với Trung Quốc sau cuộc đối đầu năm 2012 thì ông sẽ từ chức "ngay ngày hôm sau".

Về phát biểu của ông Duterte, ông Rosario đã đưa ra một tuyên bố nêu rõ, "Với tư cách là người chiếm đóng trái phép Biển Tây Philippines, Trung Quốc cho rằng phán quyết về Biển Đông không hơn gì một tờ giấy lộn. Philippines đã thắng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông, nhưng Tổng thống Philippines lại đứng ở cùng một mặt trận với Bắc Kinh. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân Philippines, vì vậy đây là một tấn bi kịch quốc gia".

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lại lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Duterte về phán quyết Biển Đông. Ông nói, không cơ quan thực thi pháp luật quốc tế nào có thể thực thi kết quả trọng tài này, nhưng “chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình và các cuộc tuần tra trên biển sẽ cũng sẽ được tiếp tục”.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines tới vùng biển gần Scaborough đánh bắt (Ảnh: Reuters).

Tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines tới vùng biển gần Scaborough đánh bắt (Ảnh: Reuters).

Ngày 9/5, bà Phó Tổng thống Robredo bày tỏ quan ngại nghiêm túc trước những phát biểu của Tổng thống Philippines Duterte về Biển Tây Philippines và nói rằng ảnh hưởng của những lời lẽ này đối với Philippines thậm chí còn vượt quá nhiệm kỳ của chính phủ.

Hãng ABS-CBN đặc biệt đề cập rằng ông Duterte đã đồng ý tranh luận với cựu Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio về vùng biển do Trung Quốc kiểm soát. Ông Duterte nói rằng ông sẽ hỏi vị thẩm phán, người đã ra lệnh cho các tàu của Philippines rút lui khỏi bãi cạn Scarborough về chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III đã làm gì sau đó và liệu Philippines có thể thực thi Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016 hay không. Duterte nói rằng nếu tuyên bố về Biển Tây Philippines là sai, ông sẽ "từ chức ngay lập tức." Tuy nhiên, vào thời điểm cuối cùng, ông Duterte đã tuyên bố rút lui và chọn người phát ngôn Phủ Tổng thống Harry Roque làm đại diện cho mình để tiến hành tranh luận.

Ông Carpio nói rằng Tổng thống Duterte nên "giữ lời" và tuyên bố từ chức vì đã nói dối về sự dính líu của cá nhân ông trong vụ tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines năm 2012. Harry Roque đáp trả rằng đó là "điều mơ tưởng". Ông Duterte ngày 10/5 thậm chí còn tuyên bố rằng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, ông đã đề xuất rằng sau khi đắc cử, ông sẽ “đi thuyền máy để thách thức cam kết bầu cử của Trung Quốc đối với việc chiếm đóng các vùng biển của Philippines”; nói đó chỉ là một 'trò đùa thuần túy" và nói rằng những người tin vào lời hứa này của ông là "ngu xuẩn".

Tổng thống Philippines Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana (Ảnh: AFP).

Tổng thống Philippines Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana (Ảnh: AFP).

Ông Duterte nói rằng ông không biết bơi, nếu chiếc thuyền máy không may bị lật giữa biển, "Tôi không thể sống trong vài giờ. Tôi sẽ ngất xỉu giữa biển. Tôi sợ chết".

Tòa Tòa thường trực Trọng tài quốc tế The Hague đã ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines vào tháng 7/2016 rằng Trung Quốc không có cơ sở cho các yêu sách lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ không chấp nhận phán quyết, nhấn mạnh rằng “chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông đã được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài và được các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc kiên trì”.