Tổng Giám đốc WHO bất ngờ kêu gọi Trung Quốc cởi mở, hợp tác truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi nhiều nước và chuyên gia yêu cầu WHO tiếp tục điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2, Tổng Giám đốc WHO Tedros ngày 12/6 cũng kêu gọi Trung Quốc cởi mở về điều tra truy xuất nguồn gốc loại virus này.
Ngày 12/6, ông Tedros Adhanom phát biểu qua truyền hình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7, kêu gọi Trung Quốc cởi mở, hợp tác truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Đa Chiều).
Ngày 12/6, ông Tedros Adhanom phát biểu qua truyền hình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7, kêu gọi Trung Quốc cởi mở, hợp tác truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Đa Chiều).

Theo bản tin của Hãng thông tấn Nga Sputnick ngày 13/6, Tổng thư ký Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom hôm 12/6 khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã kêu gọi Trung Quốc hợp tác nghiên cứu nguồn gốc của coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) xuất phát từ sự tôn trọng đối với những người đã chết vì đại dịch này. Ông Tedros Adhanom nói: "Có ít nhất 174 triệu người trên toàn thế giới đã bị nhiễm SARS-CoV-2 và 3,75 triệu người bệnh COVID-19 đã tử vong. Tôi cho rằng sự tôn trọng mà những người này xứng đáng được hưởng là biết được nguồn gốc của virus này để chúng ta có thể ngăn chặn (những gì đã xảy ra) tái diễn trong tương lai".

Ngoài ra, theo tờ Daily Mail của Anh, khi trả lời câu hỏi về khả năng viruscorona chủng mới sinh ra từ phòng thí nghiệm, ông Tedros Adhanom chỉ ra rằng "nên để ngỏ mọi giả thiết". Ông Tedros Adhanom nói thêm rằng trong giai đoạn đầu xác định nguồn gốc của loại coronavirus chủng mới, Trung Quốc đã không thể hiện đủ "mức độ minh bạch và sự hợp tác cần thiết".

Ngày 28/1/2020 khi dịch đang bùng phát, ông Tedros Adhanom gặp ông Tập Cận Bình, ca ngợi Trung Quốc đang nỗ lực chưa từng có để kiểm soát dịch bệnh (Ảnh: Reuters).

Ngày 28/1/2020 khi dịch đang bùng phát, ông Tedros Adhanom gặp ông Tập Cận Bình, ca ngợi Trung Quốc đang nỗ lực chưa từng có để kiểm soát dịch bệnh (Ảnh: Reuters).

Tedros Adhanom nói rằng ông hy vọng rằng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu về nguồn gốc của coronavirus mới sẽ có nhiều sự hỗ trợ và minh bạch hơn.

Ông nói: "Mọi người đều biết, chúng ta cần sự hợp tác của Trung Quốc". "Chúng ta cần sự minh bạch để hiểu, xác định hoặc tìm ra nguồn gốc của virus ... Sau khi báo cáo được phát hành, đã xuất hiện những khó khăn trong việc trao đổi dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu gốc".

Tedros Adhanom cũng cho biết công tác chuẩn bị cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo vẫn đang được tiếp tục. Hôm thứ Bảy, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về nguồn gốc của virus.

Vào tháng 3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố bản hoàn chỉnh của báo cáo về việc truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 từ chuyến thăm của một nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, trong đó tuyên bố rằng việc rò rỉ coronavirus chủng mới từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Mỹ và 13 quốc gia đã ra một tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về kết luận của báo cáo sau chuyến thăm của nhóm chuyên gia quốc tế của WHO và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành một cuộc điều tra "minh bạch và độc lập" về nguồn gốc COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munic ngày 15/2/2020, ông Tedros Adhanom ca ngợi Trung Quốc đã chấp nhận hy sinh, trả giá đắt để giúp thế giới có thời gian chuẩn bị, làm chậm tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munic ngày 15/2/2020, ông Tedros Adhanom ca ngợi Trung Quốc đã chấp nhận hy sinh, trả giá đắt để giúp thế giới có thời gian chuẩn bị, làm chậm tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã nói rằng ông sẽ công bố đầy đủ báo cáo về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Nếu bất kỳ thông tin nào không được công khai, có nghĩa là ông không biết về nó.

Đây được coi là sự thay đổi mạnh mẽ lập trường của ông Tedros Adhanom trong vấn đề này. Trước đây, ông thường ủng hộ quan điểm của phía Trung Quốc về vấn đề điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2.

Trang tin Hồng Kông Đông Phương cho biết, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 do Vương quốc Anh đăng cai tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 12/6. Sau cuộc họp, ông đã thúc giục Trung Quốc hợp tác trong giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2; ông đồng thời kêu gọi các hãng dược phẩm đồng ý miễn bản quyền sáng chế vaccine COVID-19.

Đối với vaccine COVID-19, ông Tedros Adhanom kêu gọi các công ty dược hảy từ bỏ bản quyền sáng chế và các nước giàu cung cấp cho họ một khoản tiền bồi thường để tăng tốc sản xuất vaccine trên toàn cầu. WHO hy vọng rằng 70% dân số thế giới sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 6/2022. Để đạt được mục tiêu này, sẽ cần 11 tỷ liều vaccine. Ông Tedros Adhanom cho biết cần cung cấp nhiều vaccine hơn và nhanh hơn. Tuy còn thiếu vaccine, nhưng ông tin rằng có thể hoàn thành các mục tiêu trên bằng cách tăng sản lượng vaccine.

Chợ bán buôn thuỷu sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi được cho là xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (Ảnh: AFP).

Chợ bán buôn thuỷu sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi được cho là xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (Ảnh: AFP).

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/6 khi điện đàm với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã yêu cầu Trung Quốc tăng cường hợp tác và minh bạch trong vấn đề truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2, bao gồm cả việc tiến hành giai đoạn hai của cuộc điều tra truy xuất của WHO do các chuyên gia chủ trì tại Trung Quốc.

Đáp lại, ông Dương Khiết Trì đã phản bác mạnh mẽ, nói “Trung Quốc đã tích cực tham gia và ủng hộ hợp tác quốc tế chống dịch, đồng thời kiên quyết phản đối mọi hành vi mượn dịch COVID-19 để vu khống, bôi xấu và đổ lỗi cho Trung Quốc”. Ông Dương Khiết Trì nói: “Một số người ở Mỹ đã bịa đặt và lan truyền câu chuyện vô lý về ‘phòng thí nghiệm Vũ Hán bị rò rỉ SARS-CoV-2’, Trung Quốc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về điều này”; "Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng sự thật và khoa học, không nên chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc, và tập trung tinh lực vào hợp tác quốc tế trong việc chống lại dịch bệnh".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ, 17 chuyên gia quốc tế của WHO hồi tháng 1/2021đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại Vũ Hán, nhóm chuyên gia đã tiến hành thảo luận khoa học thận trọng và đưa ra kết luận rằng “giả thuyết sự cố trong phòng thí nghiệm Trung Quốc khiến virus rò rỉ là cực kỳ khó xảy ra”. Một số người ở Mỹ hoàn toàn phớt lờ sự thật và khoa học, cũng như không quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc khoa học nghiêm túc mà thay vào đó, họ muốn sử dụng dịch bệnh để bêu xấu và thao túng chính trị.

Trưởng nhóm điều tra Trung Quốc (trái) bắt tay các thành viên Nhóm chuyên gia quốc tế của WHO trước khi họp báo công bố kết quả điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 hôm 9/2/2021 (Ảnh: AP).

Trưởng nhóm điều tra Trung Quốc (trái) bắt tay các thành viên Nhóm chuyên gia quốc tế của WHO trước khi họp báo công bố kết quả điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 hôm 9/2/2021 (Ảnh: AP).

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhiều lần đề cập: “Nếu Mỹ lúc nào cũng yêu cầu Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và dựa trên bằng chứng, thì Mỹ cũng hãy làm như Trung Quốc, ngay lập tức bắt đầu cùng WHO tiến hành hợp tác nghiên cứu truy xuất nguồn gốc, tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và dựa trên bằng chứng đối với nước Mỹ để đáp ứng đầy đủ các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế".

Uông Văn Bân chỉ ra rằng ngay từ nửa cuối năm 2019, ngày càng có nhiều báo cáo về dịch bệnh và vi rút xuất hiện ở nhiều nơi. Có nhiều nghi ngờ khác nhau về căn cứ sinh học Fort Ditrick ở Mỹ và hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học do Mỹ mở ra trên khắp thế giới.