Nhiều chuyên gia quốc tế đòi WHO tiếp tục điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2, Trung Quốc tức giận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngày càng nhiều thành viên Nhóm điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia cho rằng cần tiến hành lại cuộc điều tra ở Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch.
Bà Marion Koopmans nhà virus học nổi tiếng người Hà Lan, một thành viên của Nhóm chuyên gia WHO yêu cầu tới Trung Quốc điều tra lại về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).
Bà Marion Koopmans nhà virus học nổi tiếng người Hà Lan, một thành viên của Nhóm chuyên gia WHO yêu cầu tới Trung Quốc điều tra lại về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 26/5 dẫn nguồn hãng Reuters, bà Marion Koopmans nhà virus học nổi tiếng người Hà Lan, một thành viên của Nhóm chuyên gia chung của WHO về Nghiên cứu xác định nguồn gốc SARS-CoV-2, ngày 25/5 đã lên tiếng, nói Nhóm chuyên gia chờ đợi ​​có thể được tới nhiều nơi ở Trung Quốc tiến hành nghiên cứu nhiều hơn để xác định nguồn gốc SARS-CoV-2 và hiện đang chờ WHO thảo luận, quyết định về vấn đề này.

Bà Koopmans nói rằng nhóm điều tra của WHO háo hức hy vọng được tiến hành thêm nhiều nghiên cứu ở một số lĩnh vực ở Trung Quốc và đang chờ đợi kết quả thảo luận của WHO. Bà nhấn mạnh rằng nhóm chuyên gia cần được ủy quyền rõ ràng để tiến hành nghiên cứu, chứ không phải xem xét cho phép.

Marion Koopmans là thành viên của nhóm nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới lãnh đạo. Nhóm này hồi đầu năm 2021 đã dành 4 tuần ở Trung Quốc và cùng với các nhà khoa học Trung Quốc công bố một báo cáo vào tháng 3, nói loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) có thể truyền qua một loài động vật khác để lây nhiễm từ dơi sang người. Bản báo cáo chung này nói: "Khả năng virus rò rỉ thông qua sự cố trong phòng thí nghiệm được coi là cực kỳ khó xảy ra".

Nhóm chuyên gia WHO tới Viện Virus Vũ Hán hồi tháng 1/2021 (Ảnh: AP).

Nhóm chuyên gia WHO tới Viện Virus Vũ Hán hồi tháng 1/2021 (Ảnh: AP).

Ngoài ra, trong ngày thứ hai của cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) hôm 25/5, Mỹ và một số nước khác cũng kêu gọi cho phép các chuyên gia quốc tế được điều tra sâu hơn về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thời kỳ đầu khi dịch bệnh bùng phát.

Đại diện Mỹ Jeremy Konyndyk phát biểu, phía Mỹ cho rằng cuộc điều tra cần được tiến hành toàn diện và có sự lãnh đạo của các chuyên gia. Đại diện EU yêu cầu WHO tiếp tục nghiên cứu tất cả các giả thuyết về đại dịch COVID-19 và thường xuyên thông báo về tiến triển cho các quốc gia thành viên. Đại biểu Australia, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và các quốc gia khác cũng kêu gọi tiến hành nhiều hơn nữa việc điều tra nguồn gốc của dịch bệnh. Vương quốc Anh đốc thúc cuộc điều tra cần được tiến hành một cách kịp thời.

Bà Jen Psaki, người phát ngôn Nhà Trắng hôm thứ Hai (24/5) đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới hãy hỗ trợ các chuyên gia tiến hành giai đoạn hai cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 minh bạch và độc lập hơn nhằm tránh can thiệp hoặc chính trị hóa cuộc điều tra.

Trung Quốc và Mỹ có lập trường đối nghịch về cuộc điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2. Các quan chức Nhà Trắng đã cáo buộc Trung Quốc không "hoàn toàn minh bạch". Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đã đưa ra tuyên bố quan trọng.

Ông Anthony Fauci bị Thời báo Hoàn cầu chỉ trích mạnh mẽ vì thay đổi lập trường trong vấn đề nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Dwnews).

Ông Anthony Fauci bị Thời báo Hoàn cầu chỉ trích mạnh mẽ vì thay đổi lập trường trong vấn đề nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: Dwnews).

Quan chức Nhà Trắng ngày 25/5 nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã không "hoàn toàn minh bạch" trong cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của SARS-CoV-2 và cần thiết phải có một cuộc điều tra đầy đủ để xác định virus là nguyên nhân của gần 3,5 hàng triệu ca tử vong đến từ tự nhiên hay phòng thí nghiệm. Cố vấn cấp cao Nhà Trắng về COVID-19 Andy Slavitt ngày 25/5 nói với các phóng viên trong cuộc họp báo: "Cho dù đáp án là gì, chúng ta đều cần tìm ra sự thật".

Slavitt nói: "Chúng ta cần một trình tự hoàn toàn minh bạch từ Trung Quốc. Chúng ta cần Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giúp đỡ trong vấn đề này, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng hiện mình có cơ hội như vậy”

Tại cuộc họp báo này, ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, đã trả lời các câu hỏi về khả năng truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2, nói rằng mặc dù SARS-CoV-2 có nhiều khả năng lây truyền từ động vật sang người, nhưng “chúng ta không biết được đáp án 100%”, "Chúng ta cần phải tiến hành điều tra".

Bà bà Marion Koopmans (phải) trước đây đã tán thành quan điểm của Trung Quốc về SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên (Ảnh: AP).

Bà bà Marion Koopmans (phải) trước đây đã tán thành quan điểm của Trung Quốc về SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên (Ảnh: AP).

Ông Fauci cho biết hiện nay nhiều người cho rằng SARS-CoV-2 sinh ra từ tự nhiên, nhưng dữ liệu hiện có không thể đưa ra câu trả lời chính xác đầy đủ, vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới cần tiếp tục điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 74 vào ngày 25/5, Bộ trưởng Y tế Mỹ Xavier Becerra tuyên bố rằng giai đoạn hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 cần phải minh bạch, khoa học và độc lập.

Trước đó, tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 23/5 đã trích dẫn một báo cáo tình báo chưa được tiết lộ trước đó của Mỹ cho biết, vào tháng 11/2019, ba nhà nghiên cứu từ Viện Virus Vũ Hán, Trung Quốc đã phải nhập viện, sớm hơn trường hợp đầu tiên mắc bệnh COVID-19 được báo cáo tại Trung Quốc một tháng. Báo này viết có lẽ đó là bằng chứng cho sự rò rỉ của virus gây COVID-19 từ phòng thí nghiệm.

Bài báo bình luận nói báo cáo này có thể khuyến khích các cuộc điều tra toàn diện hơn về việc liệu SARS-CoV-2 có bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay không.

Đoàn chuyên gia WHO (phải) tới điều tra tại Chợ Thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán tháng 1/2021 (Ảnh: Reuters).

Đoàn chuyên gia WHO (phải) tới điều tra tại Chợ Thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán tháng 1/2021 (Ảnh: Reuters).

Việc một số nhà khoa học Mỹ trước đây đã từng tuyên bố rõ ràng rằng virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc gần đây cũng đã thay đổi quan điểm, nói rằng họ ủng hộ cuộc điều tra đối với các phòng thí nghiệm, điều này đã khiến Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc lên tiếng chỉ trích nặng nề "những kẻ tiểu nhân yếu đuối xấu xa".

Theo trang tin Đa Chiều ngày 26/5, Thời báo Hoàn cầu ngày 25/5 đã đăng bài báo nhan đề "Họ, những nhà khoa học phản bội Trung Quốc". Bài báo điểm tên phê phán ông Anthony Fauci, một chuyên gia cao cấp người Mỹ về các bệnh truyền nhiễm và học giả về COVID-19 người Mỹ Ralph Baric, một đồng nghiệp đã từng hợp tác với bà Thạch Chính Lợi, chuyên gia ở Viện virus học Vũ Hán, Trung Quốc.

Bài báo viết, những người này gần đây đã có những động thái khiến mọi người “vô cùng thất vọng, thậm chí phản bội khoa học, phản bội các nhà khoa học Trung Quốc”. “Khi dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới vào năm ngoái, chính phủ và giới truyền thông Mỹ liên tục chĩa mũi dùi vào Trung Quốc, cho rằng SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ Viện Vi rút học Vũ Hán, Trung Quốc, và thậm chí còn đồn đại rằng COVID-19 là một ‘Vũ khí sinh hóa’ được Trung Quốc tạo ra.

Ông Petes Daszak người được Trung Quốc ca ngợi có lập trường ủng hộ Trung Quốc nhất quán về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Ông Petes Daszak người được Trung Quốc ca ngợi có lập trường ủng hộ Trung Quốc nhất quán về nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AP).

Vào thời điểm đó, ông Anthony Fauci, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã nói với truyền thông Mỹ rằng một nhóm các nhà tiến hóa virus có trình độ chuyên môn cao đã phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 hoàn toàn phù hợp với loại virus đầu tiên đột biến ở động vật và sau đó lây lan sang người. Tuyên bố này đã minh oan cho Trung Quốc, đã liên tiếp được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải và ủng hộ vào thời điểm đó.

Sau đó, giới truyền thông và chính trị gia Mỹ đã nhiều lần chỉ trích ông Fauci. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rand Paul gần đây đã công kích ông Fauci tại phiên điều trần trước quốc hội, cáo buộc ông tham gia vào một dự án virus ở Trung Quốc, dẫn đến sự ra đời của SARS-CoV-2; vào thời điểm đó, ông Fauci cũng bác bỏ tuyên bố của Rand Paul.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, khi Fauci được hỏi lại liệu SARS-CoV-2 có phải từ tự nhiên hay không, ông ta đã đưa ra một tuyên bố hoàn toàn khác với tuyên bố năm ngoái. Ông nói: ‘Tôi không tin rằng virus đến từ tự nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục điều tra xem những gì đã xảy ra ở Trung Quốc’ ”.

Từ việc khẳng định virus “từ động vật truyền sang người” đến “không chắc chắn rằng virus đến từ tự nhiên”, sự thay đổi của ông Fauci bị Thời báo Hoàn cầu chỉ trích là "hành vi tiểu nhân yếu ớt”.

Ông Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế Mỹ yêu cầu giai đoạn hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 cần phải minh bạch, khoa học và độc lập (Ảnh: AP).

Ông Xavier Becerra, Bộ trưởng Y tế Mỹ yêu cầu giai đoạn hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 cần phải minh bạch, khoa học và độc lập (Ảnh: AP).

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu phê phán: “Kết hợp với những tình huống trên, người ta buộc phải nghi ngờ rằng Fauci đang theo quan điểm chính trị ngày càng lệch lạc ở Mỹ, để tự bảo vệ và tránh cho bản thân bị dán nhãn là ‘bỏ tiền cho virus ở Trung Quốc’, nên chọn cách thay đổi giọng điệu của mình và sau đó chọn Viện Virus Vũ Hán gánh họa cho ông ta. Nhưng cho dù Fauci có gặp khó khăn gì thì đây cũng không phải là cách mà một nhà khoa học đàng hoàng nên làm, mà giống như một kẻ tiếu nhân yếu đuối hơn”.

Ngoài ra, Thời báo Hoàn cầu cũng nêu tên học giả về COVID-19 người Mỹ, Ralph Barrick, người đã hợp tác với chuyên gia Thạch Chính Lợi của Viện virus học Vũ Hán để nghiên cứu về SARS-CoV-2 vào năm 2015.

Về việc hợp tác với phòng thí nghiệm Vũ Hán, bản thân Barrick đã nhiều lần làm rõ vấn đề trong hơn một năm qua, giải thích rằng nghiên cứu của ông ta và Thạch Chính Lợi không phải tạo ra cái gọi là "siêu virus".

Tuy nhiên, Barrick gần đây đã ký tên vào một lá thư chung kêu gọi một cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của SARS-CoV-2, bao gồm cả phòng thí nghiệm Vũ Hán, với lý do rằng nghiên cứu truy xuất nguồn gốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) trước đây về Trung Quốc “không đủ rõ ràng”. Trong số những người đã ký tên vào bức thư chung này, có một số người thậm chí từng công kích sự hợp tác của Barrick với bà Thạch Chính Lợi. Bài báo phê phán Barrick đã phản bội khoa học, phản bội Viện Virus Vũ Hán và bà Thạch Chính Lợi, người đã tin tưởng và hợp tác với ông ta.

Tiến sĩ Ralph Barrick, người đã hợp tác với chuyên gia Thạch Chính Lợi của Viện virus học Vũ Hán, bị Thời báo Hoàn cầu phê phán là "kẻ phản bội" (Ảnh: CLS).

Tiến sĩ Ralph Barrick, người đã hợp tác với chuyên gia Thạch Chính Lợi của Viện virus học Vũ Hán, bị Thời báo Hoàn cầu phê phán là "kẻ phản bội" (Ảnh: CLS).

Ngoài việc phê phán, chỉ trích những “kẻ phản bội”, Thời báo Hoàn cầu còn ca ngợi Peter Daszak, một chuyên gia về virus người Anh, người được cho là vẫn đang “kiên trì sự thật”. Daszak đã từng đến Vũ Hán, Trung Quốc cùng nhóm chuyên gia quốc tế vào tháng 2 năm nay để thực hiện nghiên cứu truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2. Người ta nói rằng tài khoản Twitter của Dassak đã bị tấn công và lăng mạ hết lần này đến lần khác vì ông đã phản bác các thuyết âm mưu về Viện Virus Vũ Hán của dư luận Mỹ.

Daszak gần đây cũng đã đăng một bài viết công kích bức thư ngỏ có chữ ký của Barrick kêu gọi “điều tra” Viện Virus Vũ Hán, nói rằng ông và những học giả đến Vũ Hán để nghiên cứu truy tìm nguồn gốc đã công bố một lượng lớn và đủ thông tin để chứng minh rằng SARS-CoV-2 có thể đến từ thế giới tự nhiên, khả năng từ phòng thí nghiệm là gần như không tồn tại. Ông không thể hiểu tại sao bức thư này lại chọn cách bỏ qua những chứng cứ và dữ liệu phong phú này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên hôm 24/5 đã bác bỏ giả thuyết về rò rỉ virus ở phòng thí nghiệm Vũ Hán. Ông nói: "Phía Mỹ tiếp tục thổi phồng vấn đề rò rỉ ở phòng thí nghiệm. Rốt cục họ quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc dịch bệnh hay muốn chuyển hướng sự chú ý? Tôi hy vọng cơ quan liên quan của Mỹ hãy nhanh chóng làm rõ trong thời gian sớm nhất, đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho tất cả các nước trên thế giới”.